Người bệnh "tái mặt" nghe thông báo... tăng viện phí

Với những bệnh nhân chạy thân nhân tạo việc tăng viện phí trong thời gian tới với họ là một khoản tiền rất lớn. Có thể, họ sẽ phải chi tiêu chắt bóp hơn để có thể kéo dài sự sống nơi bệnh viện.

Chỉ biết thở dài

Ông Nguyễn Văn Hải, 59 tuổi, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên nằm chạy thận ở khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai nhưng nét mặt buồn thiu. Khi nói tới việc tăng viện phí, những bệnh nhân ở đây bàn tán sôi nổi nhưng kết thúc những câu chuyện đều là tiếng thở dài thườn thượt.

Ông Hải cho biết mình bị suy thận từ cách đây 5 năm. Từ đó đến nay ông phải lên bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Mỗi tuần đều đặn vào thứ 2, 4 và thứ 6 ông lại đi xe máy từ Hưng Yên lên thẳng bệnh viện để chạy thận. Ông thở dài cho biết, vì tiết kiệm chi phí thuê nhà nên ông không thuê nhà ở đây mà tranh thủ chạy thận xong là về nhà. Ngày nào mưa gió thì ông đi xe buýt nếu không lại tự lái xe máy lên viện.

Người bệnh "tái mặt" nghe thông báo... tăng viện phí - 1

Ông Hải đang nằm chạy thận tại BV Bạch Mai.

Mỗi tháng tiền viện phí nộp cho bệnh viện gần 500 nghìn đồng, số tiền BHYT hỗ trợ là 95 %. Tuy nhiên, với ông Hải và những bệnh nhân nghèo này họ không chỉ quý từng đồng một mà tăng thêm chút tiền nào là gánh nặng lên từng đó. Ông Hải không thể lao động, mỗi ngày chạy thận xong, ông chỉ có thể về nhà nghỉ ngơi, dắt cháu đi dạo. Trong khi đó, mỗi tháng tiền thuốc men, chi tiêu đi lại số lương về hưu trước thời hạn không đủ. 

Cùng với ông Hải, anh Nguyễn Văn Thiệu quê Bắc Giang, đang chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Bạch Mai cũng thở dài. Anh Hải là nhân viên nhà nước. Anh đang đi làm được bảo hiểm thanh toán 80% chi phí chạy thận nhân tạo. Mỗi tháng anh đóng thêm 2 triệu đồng vào bệnh viện tiền viện phí. Đi làm buổi đực, buổi cái nên không có thu nhập tăng thêm. Mức lương hệ số 2,67 của anh Thiệu không đủ anh chi trả. Khi nghe tiền viện phí dành cho bệnh nhân BHYT sẽ tăng, anh Thiệu lo lắng gắng nặng chi phí lại tăng lên. Có lẽ vì thế, anh Thiệu trở nên cáu gắt và khó tính hơn.

Anh cho biết: “Cứ nghĩ đến mình không lao động được thêm thu nhập lại trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều đêm tôi nằm chẳng chợp mắt nổi và cứ nghĩ lại càng chán thêm vì bị bệnh này xác định không thể nào chữa khỏi được, tiền cứ ra đi hàng ngày".

Nỗi lo bỏ viện

Một điều dưỡng tại khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai tâm sự khi nghe thông tin viện phí sẽ điều chỉnh, nhiều bệnh nhân họ lại hỏi cán bộ y tế xem thực hư thế nào. Hầu hết mọi người đều rất lo lắng.

Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo hầu như họ đều không có khả năng làm kinh tế. Chứng kiến biết bao bệnh nhân từ chỗ có của ăn, của để chỉ sau 3, 4 năm chạy thận kinh tế đã khánh kiệt, với họ 1 nghìn đồng cũng quý.

Hiện nay, bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua kim tiêm mỗi lần chạy thận lọc máu. Họ phải trả 2.500 đồng, mỗi tháng khoảng 50 nghìn đồng nhưng rất nhiều bệnh nhân họ không có tiền đó để nộp lại cho khoa. Nhiều người họ than thở với họ 500 đồng cũng rất quý.

Chứng kiến nhiều khi bệnh nhân họ xúc động đến phát khóc khi nhận được những phong bì quà tặng của các đoàn từ thiện chỉ có 20 nghìn đồng. Họ cố gắng tiết kiệm chi tiêu nên khi nghe tăng viện phí ai cũng lo lắng.

Bác Nguyễn Thị Lên 75 tuổi, quê Bắc Ninh đang chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai buồn bã kể từ khi mắc căn bệnh này bà sống dựa vào chu cấp của con. Bà ở phòng trọ cùng người bị bệnh khác mỗi tháng mất 700 nghìn đồng cả điện nước. Số tiền nộp bệnh viện và thuốc men cũng ngót nghét 2,5 triệu đồng, còn tiền ăn uống bồi dưỡng cho sức khỏe. Cứ nghĩ đến ngày mai này, mỗi tháng phải thêm một khoản tiền nữa, bà Lên thở dài có lúc nghĩ đến chuyện bỏ viện về nhà.

Mặc dù chính sách của Bộ Y tế đưa ra là điều chỉnh giá dịch vụ tính theo đủ yếu tố cấu thành giá trong đó có yếu tố lương của bác sĩ. Dù chính sách rất hợp tuy nhiên, nhiều cán bộ y tế cho rằng nên cân nhắc cho từng đối tượng bệnh nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN