Ngứa mắt 3 tháng không khỏi, người phụ nữ đi khám phát hiện rận mu trên mí mắt
Người phụ nữ được thăm khám trong tình trạng quanh mí mắt bị ngứa, cộm, sưng đỏ và chảy nước mắt. Dưới kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện bầy rận mu đang ký sinh trên mí mắt, đẻ trứng chi chít lên lông mi người bệnh.
Bà N.T.H (59 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, bà đi khám trong tình trạng hai mắt cộm, ngứa, chảy nước mắt trong vòng khoảng 2 - 3 tháng nay. Trước đó, bệnh nhân đã nhỏ thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng tăng lên.
Các bác sĩ đã soi mắt bệnh nhân dưới kính hiển vi và bất ngờ phát hiện dưới lớp vảy mí mắt có rất nhiều rận mu bám chi chít. Trên lông mi, rận đã đẻ trứng thành chuỗi. Dựa vào tiêu chuẩn xét nghiệm vi sinh soi tươi, bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc viêm bờ mi do rận mu.
Hình ảnh rận mu.
Bác sĩ Lương Thị Bích Phượng, chuyên khoa Mắt là trực tiếp thăm khám và điều trị trường hợp này cho biết, trước đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngứa bộ phận sinh dục nhưng không điều trị. Nguyên nhân từ việc không vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục thường xuyên, tạo điều kiện cho rận mu hình thành, sinh sôi và ký sinh.
Bác sĩ Phượng cho biết thêm, rận mu là loại côn trùng ký sinh, hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn. Nó là một loài rận thuộc côn trùng hút máu không có cánh, sống và sinh sản ở vùng da lông mu, vùng sinh dục nhất là ở nam giới. Ngoài ra, rận mu có thể được tìm thấy ở lông mày, lông mi, râu, ria mép, ngực, nách… rất ít gặp ở tóc.
Các nguyên nhân gây bệnh chủ yếu như:
- Không vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục thường xuyên;
- Sử dụng chung khăn tắm, đồ lót, đắp chung chăn hay mặc chung quần áo với người bị bệnh;
- Quan hệ tình dục không lành mạnh, không sử dụng biện pháp phòng tránh khiến rận mu lây truyền từ người này sang người khác.
Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu, hay rận lông mu với triệu chứng ngứa ngáy ở những vùng nhạy cảm. Loài rận này có tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh, gây khó chịu và nguy cơ viêm nhiễm vùng bị ký sinh, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, cũng như lây cho những người xung quanh.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu có triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ở mắt, bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Viêm bờ mi và những thông tin quan trọng cần biết
Từ trường hợp hy hữu kể trên, bác sĩ Lương Thị Bích Phượng khuyến cáo đến người dân những thông tin cần thiết về tình trạng viêm bờ mi.
Viêm bờ mi là bệnh lý với tình trạng sưng viêm bờ mi mắt, bị ngứa, đỏ, bỏng rát. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và bất cứ đối tượng nào, chiếm tới 47% tổng số các trường hợp khám mắt.
Tùy thuộc vào vị trí viêm bờ mi mắt, bệnh được chia ra 3 loại viêm bờ mi như sau:
- Viêm bờ mi trước: xảy ra khi mặt trước của mí mắt, nơi lông mi mọc ra khỏi mí mắt, có màu đỏ hoặc sẫm hơn bình thường, sưng, có gỉ trên lông mi.
- Viêm bờ mi sau: loại này xảy ra khi các tuyến Meibomian sản xuất dầu dưới mí mắt bị tắc nghẽn hay tiết ra dầu đặc.
- Viêm bờ mi hỗn hợp: tình trạng vừa bị viêm bờ mi trước và viêm bờ mi sau.
Các triệu chứng thường hay gặp phải ở người bệnh mắc viêm bờ mi bao gồm:
- Kích thích chảy nước mắt, sợ ánh sáng;
- Cảm giác cộm khi chớp mắt;
- Bỏng rát, khó mở mắt;
- Ngứa ở mi mắt;
- Mỏi mắt, giảm thị lực.
Dựa vào các phương pháp như khai thác tiền sử bệnh, thăm khám các triệu chứng, kiểm tra mí mắt bên ngoài và lông mi... bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh viêm bờ mi mắt.
Bệnh nhân đến viện khám với lý do ngứa mắt nhiều, đã khám và nhỏ thuốc tại một số bệnh viện gần nhà nhưng không khỏi.
Nguồn: [Link nguồn]