Ngồi làm việc sai tư thế, nam thanh niên suýt nằm liệt giường

Sự kiện: Sống khỏe

Chỉ một chấn thương nhỏ khi đá bóng, hay mang vác nặng dựa trên yếu tố nguy cơ sẵn có đã khiến cho không ít người trẻ phải mang căn bệnh nguy hiểm về cột sống.

Ngồi làm việc sai tư thế, nam thanh niên suýt nằm liệt giường - 1

Lê Thanh T. chia sẻ về căn bệnh từng hành hạ mình

Lê Thanh T. 23 tuổi, một nhân viên IT quê ở Lâm Đồng, đang sống ở TP.HCM. Do thói quen công việc, từ lúc đi học cho đến đi làm, lúc nào T. cũng ngồi vào máy tính với đủ mọi tư thế. Khi thì T đặt máy lên chân, khi thì ngồi bàn gấp, lúc lại ngồi khom lưng. Cậu chỉ nghĩ đơn giản ngồi thế nào cho tiện công việc của mình mà bỏ quên đi hệ xương khớp đang bị tổn thương nặng nề.

Trong một trận đá bóng với bạn bè, T. chỉ bị ngã, chấn thương bình thường nhưng sau đó T không đứng thẳng lưng được. Lưng đau từ gáy xuống, đi cũng vẹo cả người đi.

T. đi khám, bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm và phải phẫu thuật mới khỏi được. Lúc ấy còn đang quá trẻ, bệnh lại nặng nên T và gia đình quyết định làm phẫu thuật để tìm lại cơ hội khỏi bệnh. Ca phẫu thuật lúc đầu thành công nhưng sau đó nhiễm trùng vết mổ và T. bị liệt phải nằm một chỗ nửa năm trời. Lúc đó, bao nhiêu hi vọng về tuổi trẻ, về đam mê của cậu tan biến hết.

Tự ti, chán nản, T. không biết làm sao tự cứu mình. Bác sĩ khuyên cậu phải tập thể dục và phục hồi chức năng vật lý trị liệu. Với bao nhiêu công sức, cậu từng bước rời được chiếc giường sau một thời gian dài nằm liệt một chỗ. Đến nay, T. tập yoga và đã khoẻ mạnh hơn. Cậu khoe đó là do nỗ lực tập thể dục, luyện yoga và các biện pháp phục hồi chức năng khác mới có thể đi lại được như bây giờ.

Nhưng mỗi lần nghĩ lại những tháng ngày bị bệnh cậu lại sợ. Nhiều khi nhìn bạn bè cũng ngồi làm việc giống mình ngày trước, T. lại giật mình khi những nguy cơ của bệnh thoát vị đĩa đệm đang cận kề.

Cũng như Lê Thanh T, chị Bùi Thị H. trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang khốn khổ vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Một lần vắt cố cái chăn, bỗng dưng chị H. thấy đau lưng, đứng lên ngồi xuống cũng khó, đi lại đau nhức vô cùng. Chị đi tiêm nhưng cả tháng không đỡ.

Lúc đó, chị H. không nghĩ gì về bệnh thoát vị đĩa đệm mà nghĩ đó chỉ là đau bình thường do vận động quá sức. Chỉ đến khi nằm một chỗ lâu, chồng giục đi khám, chị H. mới đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau khi chiếu chụp bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Trên phim, khối thoát vị nhìn rất rõ.

Công việc của chị H. hầu như ngồi máy tính 24/7. Chị thường tạm bợ ngồi vào chiếc bàn gấp, lưng khom khom sao cho tiện. Hầu như chẳng khi nào chị nghĩ chính kiểu ngồi làm việc của mình lại nguy hiểm cho cột sống như thế.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn – Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON, thành phố Hồ Chí Minh cho biết thoát vị đĩa đệm là bệnh lí thoái hóa của đĩa đệm.

Đĩa đệm có hình cái đĩa, bên ngoài là bao xơ dày và chắc, bên trong là một chất nhầy, gần giống như lòng trắng trứng. Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. 

Khi khối thoát vị lồi ra, nó kéo theo màng xương cạnh nó và lâu ngày xương sẽ mọc ra theo tạo thành những vành xương mà trên phim XQuang người ta nhìn thấy như những cái gai nhọn, hay còn gọi là “gai” cột sống. Nếu khối thoát vị đè vào rễ thần kinh sẽ gây ra các hiện tượng như đau, tê, yếu liệt… 

Khi thoát vị ở vùng thắt lưng, các rễ tạo thành thần kinh tọa bị chèn ép và gây ra đau thần kinh tọa. Còn khi thoát vị nằm ở vùng cổ thì có thể gây ra đau cổ, vai, hoặc gây ra đau, tê hoặc yếu liệt tay chân. Nếu thoát vị ở vùng ngực thì chứng đau thần kinh liên sườn. Các đĩa đệm ở vùng cổ và vùng thắt lưng hay bị thoát vị nhất.

Các yếu tố gây thoát vị đĩa đệm là do thoái hoá khi gặp các yếu tố đi kèm như áp lực đĩa đệm, chấn thương, do dinh dưỡng cho đĩa đệm, do hình thể cột sống tạo nên rất dễ gây ra các bệnh lý này. Đặc biệt, TS Sơn nhấn mạnh việc ngồi quá lâu không đúng tư thế, thay đổi tư thế đột ngột chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Chính vì thế, để phòng bệnh chúng ta nên có tư thế ngồi làm việc đúng và thường xuyên có các bài tập vùng vai cổ, lưng, không thay đổi tư thế đột ngột, có chế độ dinh dưỡng giàu canxi để hạn chế sự thoái hoá và bổ sung dinh dưỡng cho đĩa đệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Thúy (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN