Ngớ ngẩn vì bố mẹ kết hôn cận huyết
Hiện nay, nhiều trẻ em trong các gia đình dân tộc người Mường (sinh sống tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) mắc phải các chứng bệnh quái ác.
Chứng bệnh quái ác
Chúng tôi đến gia đình anh Bùi Văn Q và chị Bùi Thị B, ở xóm Cốc, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vào buổi trưa. Anh chị sinh được 3 người con nhưng cả 3 đều béo, lùn, ngớ ngẩn và kém thông minh so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Cô con gái cả Bùi Thị Tr năm nay đã 25 tuổi nhưng lúc tỉnh lúc mê.
Chị B, mẹ cháu Tr tâm sự: "Nhiều lúc Tr ngẩn ngơ, chỉ biết cười cả ngày, ai trêu gì cũng cười, ai hỏi gì cũng cười chỉ đến khi "tức chí" quá thì chửi tất thảy mọi người. Hai đứa em sau Tr, đó là Bùi Thị Nh (21 tuổi) và Bùi Duy H (11 tuổi) cũng đều mắc chứng bệnh quái lạ, không rõ nguyên nhân."
Mẹ con chị Bang gánh chịu hậu quả của hôn nhân cận huyết thống
H đã 11 tuổi, không được đi học, chị B nói rằng: "Vì học cũng chẳng vào đầu hoặc có đến lớp cũng chỉ biết cười ngơ ngẩn làm ảnh hưởng tới người khác. Tôi đưa con đến lớp, mải việc, đón muộn, con đi đâu đó, không biết đường về nhà, làm cả gia đình phải mất công đi tìm nên tôi đành cho con ở nhà chơi với mấy đứa trẻ chăn trâu trong xóm”.
Anh Q, chị B cho biết: "Con bị bệnh tật hành hạ như vậy, thế nhưng ăn rất khỏe, ăn có thể bằng ba lần người khác nên người chúng ngày cứ phình to nhưng không thể cao lên, trí thông minh lại kém phát triển nên người lúc nào cũng ngây ngây, ngô ngô khiến bất kì ai chứng kiến cũng cám cảnh thay".
Cách đây 6 - 7 năm, khi đoàn bác sỹ ở TW về kiểm tra sức khoẻ cho người dân ở xóm, vận động gia đình đưa các con đi kiểm tra, lúc đó gia đình mới biết các con bị bệnh do ảnh hưởng nặng nề của việc kết hôn cận huyết thống với các chứng bệnh như đờ đẫn, thiểu năng trí tuệ, béo phì... Lúc đó, anh mới nhớ tới việc vợ chồng anh thực chất là con chú con bác.
Chẳng riêng gì trường hợp anh Q, chị B mà gia đình ông Bùi Văn X và bà Bùi Thị T cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông bà lấy nhau được hơn 20 năm, do sự chỉ định của bố mẹ hai bên, khi mà ông và bà đều có cùng huyết thống (ông là con bác và bà là con dì).
Đến nay, ông bà sinh được tất thảy 5 người con, thì cả 5 cùng mắc các bệnh hiểm nghèo khác nhau. 1 người con đã chết, còn 4 người con khác cũng không hoàn toàn bình thường về trí lực và sức lực. Cả 4 người con hiện luôn đau ốm, khi thời tiết thay đổi, cả 4 đều nằm bẹp giường vì căn bệnh lạ hành hạ.
"Điều đặc biệt, cậu con út sau khi đi khám chữa bệnh, các bác sĩ cho biết cháu bị mắc bệnh huyết tán bẩm sinh rất khó chữa trị. Muốn điều trị cho cháu phải thường xuyên truyền máu, trong khi đó gia đình tôi chỉ có mấy sào ruộng, cái ăn hàng ngày còn khó khăn nói gì tới việc có tiền đưa cháu đi chữa bệnh" - ông X nhọc nhằn kể.
Nguyên nhân do hủ tục
Không riêng gì một hai trường hợp trên, theo cán bộ dân số của huyện Kim Bôi thì: Tình trạng kết hôn cận huyết thông trên địa bàn mấy năm trở lại đây mặc dù đã giảm, không còn xảy ra nữa nhưng hậu quả trước đó để lại rất nặng nề. Nhiều trường hợp cận huyết lấy nhau và đẻ ra những đứa con mang trong mình mầm bệnh nguy hiểm tới tính mạng con người.
Ngay tại làng Sào, xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi) hiện có một trường hợp con anh lấy con em đẻ ra những đứa con đều bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, người luôn trong trạng thái đần độn, béo phì. Thậm chí có cháu bị mắc bệnh về da, với những lớp vẩy như vẩy cá sấu, mũi tẹt, mặt bị biến dạng; có cháu bị thiếu máu dẫn đến xương giòn (xương thuỷ tinh) nên hễ động chạm vào là gẫy xương rất khó chữa trị.
Lý giải về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, vị cán bộ dân số cho biết, xuất phát từ những phong tục, tập quán, đặc biệt là những hủ tục lạc hậu của một số bộ phận người dân tộc thiểu số khi trong làng có những nhà lang (gia đình giàu có - PV) có con cái đến tuổi lấy vợ lấy chồng đều ép hoặc mai mối để con em của mình hay trong cùng dòng họ lấy nhau, với mục đích có thể giữ được của cải. Và, những của cải này sẽ vĩnh viễn không bị người ngoài lấy, mang đi mất.
Theo PGS.TS Trần Đức Phấn, Trưởng bộ môn Y sinh học Di truyền, Đại học Y Hà Nội thì những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh về máu cao gấp hàng chục lần so với những trẻ bình thường khác.
Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền), phenylketon niệu (rối loạn chuyển hóa phenylalanin) và các bệnh rối loạn chuyển hoá khác. Nguyên nhân gây những bệnh này là do những người trong cùng dòng họ có khả năng mang gen bệnh di truyền gen lặn giống nhau nhưng ở trạng thái dị hợp nên bản thân họ không biết mìnhmang gen bệnh, khi kết hôn cận huyết thống sẽ xảy ra hiện tượng kết hợp các gens bệnh của bố mẹ và gây bệnh cho con.
Đối với bệnh Hemophilia thì người mẹ mang gens bệnh chỉ truyền cho con trai và con gái thường mang gens lặn. Người bệnh có các biểu hiện dễ nhận biết nhất là dễ bị chảy máu với biểu hiện hay bị thâm tím ở các khớp, khi bị chảy máu thì máu chảy lâu hơn bình thường. Cả hai bệnh lý về máu này đều đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời để có cuộc sống bình thường...
Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như phenylketon niệu, galactose máu (tăng galactose trong máu gây nôn, phát triển kém), bạch tạng, câm điếc... làm suy giảm chất lượng dân số, giống nòi và là gánh nặng cho gia đình, dòng họ và cả xã hội.