Ngộ độc rượu: Không dùng thuốc chống nôn

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, triệu chứng nhiễm độc rượu có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ gồm đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp… Nặng hơn có thể bị hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Để xử trí ngộ độc rượu, PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo, khi vừa thấy có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa đến bệnh viện.

Mọi người không nên săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.

Khi say lưu ý không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan. Một số người còn cho người say uống mật ong pha loãng nhưng nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với mật ong sẽ dễ lên men, gây say hơn.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, vừa ăn vừa uống sẽ giảm bớt tác hại của rượu, bia với sức khỏe cơ thể. Việc cho thêm mật gấu vào rượu sẽ giảm bớt tác hại lên gan... thì tới nay chưa có cơ sở khoa học nào cả. Tuyệt đối không uống nước ngọt có gas với rượu để tránh sinh ra anhydrit cacbonic rất nguy hại tới dạ dày, gan, thận, tim và huyết quản, làm huyết áp tăng cao, tức ngực, khó thở, chóng mặt.

Ngộ độc rượu: Không dùng thuốc chống nôn - 1
Ngộ độc rượu có thể tử vong nhanh chóng

Người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.

Bị ngộ độc rượu chứa ethanol và methanol, từ 12 - 24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong nhanh chóng.

Để phòng ngộ độc rượu, khi uống rượu nên chọn loại có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Không uống rượu khi đói và chỉ nên uống khoảng 30ml. Đối với bia chỉ nên uống khoảng 300 – 500ml là hợp lý.

Mẹo nhỏ giảm say

Nên uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh.

Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn.

Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc.

Cà phê có caffein sẽ giảm hiện tượng mạch máu ở đầu căng phồng làm nhức đầu. Một số loại cháo giải rượu rất tốt, nếu hay uống rượu có thể nấu sẵn, khi dùng chỉ cần hâm lại, húp một vài chén, nghỉ ngơi một chút là tỉnh táo ngay. Giải rượu tốt nhất là cháo hoa nóng.

Dùng 3 lát gừng tươi giã nát, trộn với một ít giấm và đường, ép lấy nước để uống. Dùng 1 nắm đậu xanh giã nát, ít trà mạn và 1 chén nước, đun lên để uống. Nếu bị say kèm đau đầu, hãy giã rau cần tươi hoặc lá dong rồi vắt lấy nước cốt để uống sẽ rất hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Dương – P.Thuận (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN