Ngộ độc nấm: Hầu hết bệnh nhân đã tử vong

BS Nguyễn Trung Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết bệnh nhân ngộ độc nấm trắng nhập viện đều đã tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATTP cho biết, thời gian cuối mùa xuân chuyển sang hè, (từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm) được coi là mùa phát triển của các loại nấm, nhất là nấm hoang dại, mọc nhiều ở khu vực phía Tây Bắc nước ta. Vì vậy, nguy cơ người dân ăn phải nấm độc rất cao.

Theo BS Dũng, từ đầu tháng 2 đến nay, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 4 đợt bệnh nhân ngộ độc nấm. Cụ thể: Trong đợt đầu có 4/5 người tử vong. Đợt  hai có 3/5 bệnh nhân tử vong. Đợt ba có 2/3 bệnh nhân người tử vong, 1 người xin về nhưng tiên lượng cũng khó qua khỏi. Đợt 4 có 1 thai phụ nhập viện nhưng nguy cơ tử vong cao, thai đã chết lưu.

Theo PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi, những bệnh nhân còn lại đều bị suy gan nặng, nguy cơ tử vong rất cao, muốn cứu sống biện pháp tốt nhất là ghép gan.

Hiện nay, BV Bạch Mai đang kết nối với các BV Việt Đức, BV Quân đội Trung ương 108, BV 103 (Học viện Quân y), BV Nhi Trung ương … nhằm tìm kiếm nguồn gan cứu chữa cho các bệnh nhân ngộ độc nấm nguy kịch. Tuy nhiên, cái khó là nhờ vào nguồn hiến tạng từ người cho chết não rất ít.

Ngộ độc nấm: Hầu hết bệnh nhân đã tử vong - 1

Bệnh nhân ngộ độc nấm đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Các chuyên gia khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng nấm khi chưa rõ nguồn gốc, không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại (kể cả nấm màu trắng), nấm có đủ các phần của thể quả. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết vẫn có thể gây ngộ độc đối với người. Dự báo, sẽ còn tiếp tục các ca ngộ độc nấm bởi miền núi phía Bắc đang là mùa mưa, nấm hoang trong rừng mọc rất nhiều và tập quán hái nấm rừng.

Nếu đã sử dụng nấm mà xảy ra các triệu chứng ngộ độc, phải gây nôn rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời như: rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.

Đặc biệt cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến khi có triệu chứng ngộ độc: nếu dưới 6 tiếng thì có thể điều trị ở trung tâm y tế xã, huyện vì ngộ độc không cao; nhưng nếu trên 6 tiếng thì phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu. Đồng thời đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng và mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới các cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, nhiều người hiểu lầm, những loại nấm có màu sặc sỡ mới là nấm độc, còn nấm trắng không độc.  Điều này hoàn toàn không đúng vì rất nhiều loại nấm trắng vẫn thuộc loại nấm độc. Khi ăn phải nấm độc, nếu các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngộ độc nấm sẽ hủy hoại gan, khiến  bệnh nhân chảy máu nội tạng, tăng mạch và rối loạn đông máu, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN