Ngộ độc do uống nước chứa tàn thuốc lá

Cách đây một tuần lễ (ngày mồng 1 Tết) Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tiếp nhận cấp cứu một ca ngộ độc hi hữu.

Bệnh nhân là cháu trai 5 tuổi. Người nhà bệnh nhi này cho biết hồi trước tết, cánh thợ hồ sửa chữa nhà hút thuốc lá rồi búng tàn thuốc vào chai vỏ nhựa có chứa nước đặt gần tủ lạnh. Cháu bé đã lấy chai nước này uống. Rất may cha mẹ phát hiện con rát họng, đau quặn bụng, miệng cứng đơ... nên đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Anh - giám đốc Tổ chức Heathbridge Canada tại VN, trong nước chứa tàn thuốc sẽ có đủ các chất độc hại của thuốc lá và bản chất giống như nước trong chiếc điếu cày, nhưng độ bẩn và độc thấp hơn. Bác sĩ Hoàng Anh cho rằng bình thường nếu uống phải loại nước này chỉ có thể có hiện tượng khó chịu, buồn nôn, thậm chí không có biểu hiện bị ngộ độc. Nhưng người có cơ địa dị ứng với loại hóa chất có trong thuốc lá có thể có những biểu hiện bị dị ứng nghiêm trọng hơn so với người bình thường, phản ứng gây ra ngộ độc là do sự nhạy cảm của cơ thể.

Bà Hoàng Anh cũng cho rằng do tỉ lệ người hút thuốc lá ở VN khá cao, và nhiều nam giới hút thuốc vẫn luôn có thói quen gạt tàn thuốc vào bất kỳ cốc nước, chai nước, đĩa chén... nào đó có sẵn trên bàn mà không chú ý đến việc trẻ em trong nhà (nhất là những em bé dưới 5 tuổi) không biết sẽ uống phải dẫn tới nguy cơ ngộ độc.

Trao đổi với PV hôm qua, đại diện khoa cấp cứu Bệnh viện Bồng Sơn còn cho hay ngoài trường hợp ngộ độc nước chứa tàn thuốc lá, trong dịp tết vừa qua khoa này đã tiếp nhận nhiều trẻ đi cấp cứu do uống quá nhiều nước ngọt có gas, trong khi bình thường cha mẹ không để ý, cứ thấy con thích thì cho uống thoải mái và kết quả là bé phải đi cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay thời gian qua khoa này đã tiếp nhận khá nhiều ca ngộ độc hi hữu. Cách đây chừng hai tháng, khoa đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc pha... heroin. Em bé 16 tháng tuổi được cha mẹ gửi ở nhà người bà con, khi người bà con đau bụng và pha nước có heroin để uống thì bé đột ngột chạy đến cầm cốc nước uống hết một hơi. Kết quả là bé vào viện trong tình trạng thở chậm, hơi thở yếu, đồng tử co nhỏ. Dù được cấp cứu, tiêm thuốc giải độc heroin kịp thời nhưng bé vẫn tiểu ra máu và men gan tăng gấp 7-8 lần so với bình thường.

Theo PGS Dũng, đây chỉ là một trong số nhiều em bé bị ngộ độc do sự bất cẩn của người lớn. “Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thuốc, uống phải xăng, dầu, bị hóc lạc, hạt dưa, thạch, củ quả, bã kẹo cao su...” - PGS Dũng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LAN ANH - TRẦN KIM ANH (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN