Ngộ độc Botulinum một lượng rất nhỏ có thể tử vong, muốn phòng tránh phải biết những điều sau
Ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum có khả năng đe dọa tính mạng chỉ với một lượng rất nhỏ.
Vi khuẩn Clostridium Botulinum
Vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển trên thức ăn và tạo ra độc tố, khi ăn vào sẽ gây tê liệt. Ngộ độc Botulinum cực kỳ hiếm gặp, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 35 đến 65% khả năng tử vong đối với những bệnh nhân không được điều trị ngay lập tức và đúng cách.
Clostridium Botulinum là một vi khuẩn kỵ khí, có nghĩa là nó chỉ có thể phát triển trong điều kiện không có oxy. Ngộ độc xảy ra khi Clostridium Botulinum phát triển và tạo ra độc tố trong thực phẩm trước khi tiêu thụ.
Sự phát triển của vi khuẩn và sự hình thành độc tố xảy ra trong các sản phẩm có hàm lượng oxy thấp và sự kết hợp nhất định của nhiệt độ và các thông số bảo quản. Điều này xảy ra thường xuyên nhất đối với thực phẩm được bảo quản nhẹ và thực phẩm đóng hộp hoặc đóng chai tại nhà chưa được chế biến kỹ lưỡng.
Clostridium Botulinum sẽ không phát triển trong điều kiện axit (pH nhỏ hơn 4,6), do đó độc tố sẽ không được hình thành trong thực phẩm có tính axit. Sự kết hợp giữa nhiệt độ bảo quản thấp, hàm lượng muối và pH cũng được sử dụng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn hoặc sự hình thành độc tố.
Độc tố botulinum đã được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm các loại rau được bảo quản bằng axit thấp, chẳng hạn như đậu xanh, rau bina, nấm và củ cải đường; cá, bao gồm cá ngừ đóng hộp, cá lên men, ướp muối và hun khói; và các sản phẩm thịt, chẳng hạn như giăm bông và xúc xích.
Triệu chứng ngộ độc Botulinum
Các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra trong vòng 18 đến 96 giờ sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc. Chất độc này kháng lại các enzym trong đường tiêu hóa, được hấp thụ qua ruột non. Sau khi hấp thụ, chất độc sẽ tác động lên các điểm nối thần kinh cơ gây tê liệt cơ. Nếu không dùng thuốc chống độc thích hợp, có thể sớm xảy ra liệt hô hấp và tử vong.
Các triệu chứng sớm nhất liên quan đến mắt và mặt, vì các dây thần kinh kiểm soát chức năng của chúng bị ảnh hưởng nhanh nhất.
Các triệu chứng ban đầu thường nhẹ, có thể tự biến mất, bao gồm:
- Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Hoa mắt nhìn 1 hóa 2, nhìn mờ (đặc biệt là khi nhìn vật thể gần) hoặc sụp mí mắt
- Khô miệng
Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Nói ngọng hoặc nói mất từ
- Khó nuốt
- Yếu cơ ở tay hoặc chân
- Mệt mỏi
- Khó thở
Mặc dù ngộ độc Botulinum có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, nhưng hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn khi được điều trị đúng và kịp thời. Điều trị sớm giúp giảm nguy cơ tàn tật vĩnh viễn và tử vong. Tuy nhiên, ngay cả khi điều trị ngộ độc Botulinum vẫn có thể gây tử vong. Nếu không được điều trị, hơn 50% số người mắc chứng ngộ độc Botulinum sẽ tử vong.
Phương pháp chẩn đoán
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi đã điều tra dịch tễ, sẽ tiến hành lấy mẫu máu và phân để xét nghiệm.
Tuy nhiên, ngộ độc Botulinum không phổ biến, dễ nhầm lẫn với nhiều vấn đề sức khỏe khác nên trong hầu hết các trường hợp, một số thử nghiệm khác sẽ được yêu cầu thực hiện:
- Quét não, có thể chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra các chẩn đoán khác như đột quỵ
- Xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh Lyme
- Điện cơ đồ, một bài kiểm tra chức năng thần kinh và cơ, để xác định xem vấn đề có thể là một bệnh suy yếu cơ khác như viêm đa cơ hoặc bệnh nhược cơ hay không.
Hầu hết các triệu chứng tê liệt của ngộ độc Botulinum kéo dài trong vài tuần và sau đó từ từ biến mất trong những tháng tiếp theo. Đôi khi mệt mỏi và khó thở có thể kéo dài hàng năm.
Cách xử lý khi bị ngộ độc
Trong trường hợp bị nhiễm độc cần phải nhập viện càng sớm càng tốt, đôi khi là điều trị kéo dài. Phương pháp điều trị chính bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống độc (một loại thuốc giải độc hóa học) và hỗ trợ chăm sóc tốt từ bác sĩ. Trong một số trường hợp nghiêm trọng cần đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, với sự hỗ trợ của máy thở để hỗ trợ hô hấp.
Nếu thuốc kháng độc được tiêm sớm trong quá trình bệnh, nó sẽ ngăn chặn sự tê liệt thêm do chất độc, nhưng nó không ảnh hưởng đến các triệu chứng đã có. Vật lý trị liệu có thể hữu ích trong việc hỗ trợ phục hồi chức năng cơ bắp.
Trẻ sơ sinh mắc chứng ngộ độc Botulinum có một thách thức đặc biệt: Chúng được điều trị bằng thuốc chống độc nhưng không được dùng thuốc kháng sinh vì việc tiêu diệt vi khuẩn ngộ độc trong ruột có thể khiến giải phóng đột ngột nhiều chất chống độc hơn. Thay vào đó, các loại thuốc gây nôn mửa hoặc các phương pháp điều trị như thụt tháo được sử dụng để loại bỏ thức ăn chưa tiêu hóa khỏi ruột.
Cách phòng ngừa
Chế biến và bảo quản thức ăn đúng cách giúp phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum
Bạn có thể ngăn ngừa ngộ độc Botulinum bằng cách xử lý, chế biến thực phẩm cẩn thận:
- Khi đóng hộp thức ăn tại nhà, hãy sử dụng nồi áp suất để đạt nhiệt độ thích hợp giúp tiêu diệt các bào tử gây ngộ độc Botulinum. Thực phẩm bảo quản nên được đun nóng trên 120 độ C trong ít nhất 5 phút trong quá trình đóng hộp. Một số thực phẩm như mứt, thạch không cần dùng đến nồi áp suất vì lượng đường cao khiến vi khuẩn Clostridium Botulinum khó phát triển.
- Không ăn hoặc bảo quản thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 4 giờ.
- Không ăn hoặc thậm chí nếm đồ hộp từ lọ có nắp phồng hoặc có mùi hôi.
- Không để khoai tây nướng bọc giấy bạc ở nhiệt độ phòng.
- Không bảo quản tỏi hoặc hành tây băm nhỏ trong dầu ở nhiệt độ phòng.
- Nếu bạn đang ăn cá hoặc rau đóng hộp tại nhà, trước tiên hãy đun sôi thức ăn trong 10 phút và khuấy thường xuyên. Điều này sẽ phá hủy bất kỳ độc tố botulinum nào đã được tạo ra trong quá trình bảo quản.
- Không cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi ăn mật ong.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ động cơ của việc phát tán thông tin sai...