Nghịch lý giường bệnh công - tư

Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản thí điểm mô hình kết hợp BV công và tư ở một số lĩnh vực quá tải.

Trong khi các bệnh viện (BV) công luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng thì BV tư công suất giường bệnh không sử dụng hết. Bên dư lãng phí, bên thừa, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ngày 10-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị Tăng cường phối hợp giữa BV nhà nước và BV tư nhân thực hiện đề án giảm tải BV của Thủ tướng Chính phủ khu vực các tỉnh phía Nam.

BV tư thiệt thòi!

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết hiện số giường và nguồn lực khu vực tư nhân còn thiếu, công suất sử dụng chung 40%-60%, trong khi công suất giường bệnh nhà nước 90%-110%.

“Mặc dù có cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ thuật khá tốt nhưng BV tư nhân không sử dụng hết công suất giường bệnh là do giá thành cao, nguồn nhân lực không đồng đều và chưa có thương hiệu” - PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, lý giải.

Nghịch lý giường bệnh công - tư - 1

Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hận, quê Sóc Trăng lên BV Ung bướu TP.HCM để điều trị bệnh ung thư cho con gái là Nguyễn Cẩm Nghi. Do không có giường nằm nên hơn một tháng nay Nghi phải nằm dưới sàn nhà để điều trị bệnh. (Ảnh chụp chiều 10-3) Ảnh: H.VI

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, BV tư nhân có cơ sở vật chất tốt, phương tiện chẩn đoán đầy đủ, bác sĩ tận tình, vui vẻ, trình độ quản lý BV rất tốt. Nhưng họ có một số thiệt thòi trong đào đạo, chuyển giao kỹ thuật, giao lưu quốc tế… “Bộ Y tế sẽ tháo gỡ để làm sao BV công và tư phối hợp theo quy chế chuyên môn, tài chính mà hai bên cùng có lợi nhưng đặt quyền lợi bệnh nhân lên trên hết, mục đích là giảm tải và giúp BV tư nhân sử dụng hết công suất giường bệnh” - Bộ trưởng nói. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng các BV tư nhân mới. Mục tiêu sắp tới là BV tư nhân phải chiếm 15%-20% giường bệnh.

Cho bác sĩ công làm tư trong giờ chính?

Tại hội nghị, hầu hết các BV đều nêu khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế tài chính nếu phối hợp công - tư trong giảm tải. Đại diện một BV tư cho rằng khó khăn nhất là bác sĩ BV công chỉ có thể chuyển qua BV tư ngoài giờ mà ngoài giờ thì ít bệnh nhân. Chỉ có cách BV tư bỏ 1-2 khoa hợp tác với BV công và BV công xem đó là cơ sở của mình thì bác sĩ mới có thể dịch chuyển. Nhưng chắc gì BV công chuyển bác sĩ giỏi đúng yêu cầu và bác sĩ giờ giấc không liên tục nên khó theo dõi sát bệnh nhân.

Về cơ cấu tài chính, phí BV tư bao giờ cũng cao hơn BV công nên mức chênh lệch cao. Do vậy, nếu kết hợp hai bên phải tính toán giá thỏa mãn được BV công - tư và đảm bảo được giá hợp lý, đáp ứng phần lớn bệnh nhân. Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho rằng trong BV công cũng có nhiều đối tượng thì BV tư cũng cần có nhiều mức giá chứ cứ tính đầy đủ hết cũng không lôi kéo được bệnh nhân.

Về vấn đề bác sĩ công có được phép làm tư trong giờ hành chính, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh phản biện lại rằng cho đến nay, cán bộ công chức trong ngành y chưa được phép làm bên ngoài trong giờ hành chính. Nhiều trường hợp bác sĩ trong giờ công làm dịch vụ vẫn bị Sở Nội vụ “thổi còi”. Do vậy, bác sĩ chỉ được làm ngoài giờ trong hợp tác công - tư, nếu được phép từ Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế thì sẽ tốt hơn.

Sẽ cho thí điểm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc hợp tác giảm tải công - tư hiện nay có ba khó khăn. Thứ nhất, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Viên chức, về nguyên tắc trong giờ hành chính bác sĩ không thể ra ngoài. Thứ hai, nhiều bệnh nhân dù có tiền vẫn thích vào BV công vì tâm lý và thương hiệu. Thứ ba là cơ chế tự chủ của BV công nên họ không muốn chia sẻ (không chuyển bệnh). Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng không thể để cho tình trạng nơi thì bệnh nhân 2-3 người/giường, nơi lại trống không...

Theo đó, Bộ trưởng gợi ý BV công lập sẽ chuyển ra cho tư nhân những bệnh nhân giai đoạn hậu phẫu; những chuyên khoa đang quá tải đòi hỏi kỹ thuật cao, bệnh nhân được BHYT thanh toán - đồng chi trả (nguyên tắc là theo nguyện vọng của bệnh nhân); hoặc BV tư nhân thành vệ tinh, BV công chỉ đạo tuyến, BV tư nhân sẽ trả công về tập huấn và thương hiệu. “Để có hành lang pháp lý tốt thì Bộ sẽ ban hành văn bản thí điểm mô hình kết hợp BV công và tư ở một số lĩnh vực quá tải” - bộ trưởng Bộ Y tế nói.

BV Chợ Rẫy đã hợp đồng hỗ trợ chuyên môn cho 14 BV tư nhân, hợp đồng giảm tải với sáu BV, hợp đồng chuyên môn gửi mẫu xét nghiệm cận lâm sàng với ba BV. Năm 2013, BV đã chuyển viện gần 11.000 trường hợp. Nhưng trước khi chuyển bệnh nhân, BV sẽ khảo sát về mức độ đảm bảo an toàn, mức viện phí, bệnh nhân có yêu cầu và BV đó phải đảm bảo quyền lợi BHYT cho bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ BV Chợ Rẫy theo dõi bệnh nhân cẩn thận và công khai, minh bạch tài chính kế toán. Định kỳ hai bên họp rút kinh nghiệm.

Nhu cầu chuyển bệnh nhân ra các BV tư là có thật và BV đã làm. Tuy nhiên, về cơ chế tài chính phải rõ ràng và hành lang pháp lý phải như thế nào để có thể thực hiện dễ dàng.

BS PHẠM THỊ NGỌC THẢO, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tính (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN