Nghi lễ cắt bao quy đầu: Cắt hư là mất!

Cắt bao quy đầu dương vật là nghi lễ giúp thiếu niên Nam Phi trở thành người đàn ông thật sự, nhưng cách thực hiện không đúng cách có thể khiến người chịu nghi lễ này bị mất “của quý” hoặc có thể tử vong do nhiễm trùng.

Thứ hai 8/7 vừa qua, cảnh sát Nam Phi bắt giữ 5 người bị nghi giết người, sau những buổi lễ cắt bao quy đầu tập thể không đúng cách đã khiến 30 thiếu niên bị thiệt mạng và hơn 300 người khác nhập viện. Vụ tai nạn xảy ra ở tỉnh nông thôn Eastern Cape ngày 7.7, một số thanh niên bị cắt mất “súng”.

Nghi lễ cắt bao quy đầu: Cắt hư là mất! - 1

Nghi thức cắt bì của đạo Do Thái

“Núp bóng văn hóa, truyền thống” để trục lợi

Người phát ngôn Sizwe Kupelo của Sở Y tế tỉnh cho biết 303 thanh niên sau khi được cắt bao quy đầu phải nhập viện cấp cứu do bị mất nước, nhiễm trùng vết thương và bị hoại tử vùng kín. Cảnh sát cũng điều tra khả năng tấn công, xâm phạm thân thể và cắt bao quy đầu trái phép khiến số thanh niên này bị thương.

Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) gọi những cái chết và bị thương này là “thảm họa” và nói chính phủ cần có hướng xử lý khẩn cấp: “Chính phủ không thể nói suông khi đối phó thảm họa toàn quốc ở mùa “khai tân” này. ANC kêu gọi phải huấn luyện y tế cho các “lang vườn” để “phần cần thiết trong sản phẩm văn hóa quốc gia này an toàn hơn”.

Bộ trưởng Y tế Aaron Motsoaledi nói phong tục cắt bao quy đầu có từ 100 năm nay đã bị xuống cấp, do có những kẻ lợi dụng truyền thống, văn hóa Phi châu để kinh doanh trục lợi, làm giàu nhanh trong một thời gian ngắn và núp bóng “văn hóa, truyền thống”, khiến mỗi năm càng tăng những vụ tử vong hoặc bị cắt mất “của quý”.

Nghi lễ cắt bao quy đầu: Cắt hư là mất! - 2

Dụng cụ cắt bao quy đầu PrePex rất dễ sử dụng

Ông báo cáo với các nghị sĩ: “Bọn vi phạm pháp luật phải bị phạt hoặc bị bắt, bấp chấp chúng có địa vị nào trong xã hội, văn hóa và truyền thống”. Tuy nhiên, người phát ngôn của bộ không cho biết bọn trục lợi kiếm được bao nhiêu tiền.

Mỗi năm có hàng chục, thậm chí hàng trăm thiếu niên Nam Phi thiệt mạng hoặc bị mất “chim” vì là nạn nhân của các “lang vườn”. Hồi tháng 5.2013, 23 thiếu niên tử vong sau các buổi lễ cắt bao quy đầu kéo dài 9 ngày tại tỉnh Mpumalanga, đã khiến ANC kêu gọi cải tiến một lễ nghi đã ăn sâu vào nền văn hóa địa phương.

Nghi lễ cắt bao quy đầu: Cắt hư là mất! - 3

Những cậu bé Nam Phi chờ chịu phép cắt bao quy đầu

Hằng năm tại Nam Phi, các thiếu niên từ 10 - 15 tuổi của các bộ tộc Xhosa, Sotho và Ndebele đều cắt bao quy đầu trong mùa “khai tân” truyền thống. Các buổi lễ thường tổ chức suốt nhiều tuần ở những vùng nông thôn, nơi các em được đưa vào rừng núi cả tháng để chuẩn bị làm đàn ông.

Ngoài việc cắt bao quy đầu, các cậu còn được dạy những bài học về kỷ luật, tính dũng cảm của nam nhi, mặc quần áo phong phanh trong điều kiện thời tiết ngày nóng đêm lạnh. Các cậu trai trát đất sét màu đỏ hoặc màu trắng lên mặt và được cho uống những loại thuốc làm bằng cỏ. “Thầy lang” dùng kéo hoặc xiên để cắt mà không gây mê nên dù được trở thành đàn ông, thì đây cũng là một trải nghiệm chẳng vui thú chút nào.

Bên cạnh đó, do “lang vườn” vụng cắt phần da đầu dương vật nên dễ xảy ra những vụ tử vong do mất máu hoặc bị nhiễm trùng, phải cắt bỏ “súng”. Còn có lý do “thầy lang” sử dụng dụng cụ không được vô trùng hoặc không đủ kỹ thuật “xẻo” da quy đầu.

Theo báo Guardian (Anh), các nhà hoạt động nhân quyền đã kêu gọi chấm dứt nghi lễ “khai tân” quá nguy hiểm, sau khi có 42 thiếu niên chết từ những vụ cắt bao quy đầu thất bại chỉ trong vòng 3 tuần hồi năm 2012.

Con số tử vong ấy cao gấp đôi 26 vụ trong cùng thời gian hồi năm 2011. Lúc đó, 5 cậu bé bị thương nặng nên phải cắt bỏ dương vật, và 300 em phải vào bệnh viện chữa trị. Tổ chức Công lý giới tính Sonke hồi năm ngoái kêu gọi chính phủ Nam Phi can thiệp, vì “Tại sao chúng ta lại cho phép một số phong tục văn hóa cướp mất tương lai của giới trẻ?

Không xài “hàng” Do Thái!

Cảnh sát nói tất cả những cái chết đều tại các tụ điểm đăng ký làm lễ “khai tân”, là những nơi cũng có sự hiện diện của các bác sĩ. Họ nói đó là bằng chứng chính phủ đã quan tâm phòng chống những cái chết vô ích.

Tuy nhiên, hồi tháng 6/2013, Công đoàn Thương mại Nam Phi (COSATU) lại dọa tẩy chay việc sử dụng dụng cụ cắt bao quy đầu PrePex, với lý do đó là “hàng sản xuất tại một đất nước theo Do Thái giáo” là Israel.

COSATU nói dù họ ủng hộ chủ trương cắt bao quy đầu để chống lây nhiễm bệnh lây qua bệnh tình dục, họ vẫn kiên trì chống các loại hàng hóa Israel. Họ đề nghị nên tìm dụng cụ khác cho Nam Phi. Đại diện Bộ Y tế nói không nên đem chính trị vào các vấn đề bảo vệ sức khỏe cấp thiết.

Trẻ con thuộc gia đình Do Thái giáo phải chịu phép “cắt bì” (cắt bao quy đầu) 8 ngày sau khi chào đời, bằng cách cắt truyền thống (dùng kéo). Hồi đầu tháng 6/2013, một bé sơ sinh 8 ngày tuổi đã chết sau 8 ngày khi được cắt bao quy đầu. Lúc thực hiện nghi lễ này, em đã bất tỉnh, được cha mẹ đưa vào bệnh viện cấp cứu, nơi các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đành bó tay. Các vị giáo sĩ cho biết tính mạng em bị nguy kịch do đã có các triệu chứng bệnh từ trước nên bị chết não, chứ không vì bị cắt bì. Khả năng em bị bệnh tim bẩm sinh chưa thể phát hiện và khả năng chết vì bị sặc sữa cũng được loại trừ. Gia đình em từ chối mổ pháp y để biết nguyên nhân tử vong.

PrePex được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bật đèn xanh chấp thuận sử dụng đại trà hồi tháng 5, được công nhận là dụng cụ cắt bao quy đầu không đau, không cần gây tê khu vực (chỉ cần bôi một loại kem thẩm mỹ) và không cần khâu vết thương, không cần phải vô trùng mà lại rẻ tiền, dễ sử dụng nên người thực hiện công đoạn cắt không phải mất nhiều thời gian: đó là một chiếc vòng “ụp” lên quy đầu và người cần cắt “đeo” nó trong 7 ngày, thời gian để vòng dần ngưng tiếp nhận máu, quy đầu sẽ khô đi, không còn oxy và dễ cắt bỏ trong chỉ 5 phút, so với cách cắt hiện hành mất từ 10 - 15 phút.

Người được cắt cũng không phải nghỉ làm việc lâu vì chóng lành hơn, so với cách cắt hiện hành vốn có khi buộc phải cắt lại để bỏ hết phần quy đầu còn sót. PrePex chỉ có một nguy hiểm là người “đeo” quên mất họ đang đeo vòng, lao vào cuộc ái ân. Khi ấy, vòng sẽ bị động và lúc đó người bệnh đành phải chịu cách cắt hiện hành.

Theo báo New York Times (Mỹ), PrePex của Công ty Circ MedTech (Israel) là biện pháp cắt bao quy đầu duy nhất (cùng với cách cắt y tế) được WHO và Cơ quan Quản lý lương thực - dược phẩm Mỹ cùng EU duyệt. PrePex còn được dự báo sẽ sớm phổ biến ở châu Phi để giúp kiểm soát được dịch AIDS khoảng 76%, vì với người nam có quan hệ tình dục lưỡng giới, việc cắt bỏ phần dưới đầu dương vật sẽ giảm nguy cơ nhiễm HIV. Các tổ chức phòng chống HIV-AIDS đều công nhận PrePex an toàn hơn thiết bị Tara KLamp của Malaysia vốn đang được sử dụng tại các cơ sở y tế công Nam Phi.

Nam Phi đã lên kế hoạch năm 2030 sẽ có thế hệ nam giới dưới 20 tuổi không nhiễm HIV. Đại diện ngành y nước này cho biết từ nay đến năm 2016, họ sẽ phải cắt bao quy đầu của ít nhất 4,3 triệu thanh niên, nên PrePex là giải pháp tiết kiệm thời gian, và cũng hy vọng giảm được 60% nguy cơ nhiễm trùng. Bộ trưởng Y tế Motsoaledi cũng kêu gọi nam giới tích cực xét nghiệm để sớm phát hiện HIV-AIDS. Ông nói phụ nữ nên “đá và hét” giục chồng con đi xét nghiệm: “Ông nào không chịu đi, quý bà quý cô cứ bảo họ đến gặp tôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trinh Nhi (Dân Việt/Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN