Nghề nguy hiểm: Bác sỹ tận tâm với bệnh nhân HIV
Cho đến bây giờ anh Vinh và người thân vẫn coi sự sống của anh như một phép màu.
Được đưa ra một bệnh viện ở Hà Nội mổ gấp, bác sỹ phát hiện không chỉ có hàng chục khối u trong ổ bụng, anh còn nhiễm HIV. Thấy tình trạng sức khỏe bệnh nhân xấu đi, họ đã khâu lại… Có lẽ anh Vinh sẽ không còn cơ hội sống khỏe mạnh nếu không gặp được người bác sỹ ấy.
Nối dài thêm sự sống
“Lúc đó, anh Vinh chỉ còn chờ chết. Biết tình hình, tôi nhận về khoa. Hàng chục khối u đã được lấy đi, giờ anh Vinh vẫn sống bình thường”, TS Đỗ Duy Cường, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai - người được biết đến là chuyên gia hàng đầu về HIV/AIDS ở Việt Nam chia sẻ.
Câu chuyện này, TS Cường chia sẻ với chúng tôi vào lúc 10h đêm, thời điểm mà anh hẹn rằng đó là thời gian có thể gặp mặt. Khoa Truyền nhiễm nơi anh Cường làm việc nằm sâu trong BV Bạch Mai. Dáng người nhỏ nhắn, bước đi tất bật anh ra tận cổng đón chúng tôi. Dẫn chúng tôi vào phòng họp rồi xin phép ăn nốt bữa cơm tối, vừa trò chuyện được ít phút anh lại vội vã chạy đi cấp cứu một bệnh nhân mới nhập viện.
TS Đỗ Duy Cường luôn đau đáu nỗi niềm làm sao vơi bớt bất hạnh của các bệnh nhân không may nhiễm HIV. Ảnh: Q.T.
Nửa tiếng trôi qua, vừa quay trở lại tiếp chúng tôi thì một nam thanh niên mếu máo chạy vào tự xưng là em trai của một bệnh nhân bị nhiễm HIV. “Nhất định là do anh chồng lây cho chị em. Ông ấy chơi bời, hay gái gú… Bác sỹ ơi chị em có sống được lâu nữa không? Điều trị hết nhiều tiền không?...”. Theo chân bác sỹ và người nhà bệnh nhân, tôi thấy trên giường bệnh một cô gái trạc 30 tuổi, gày gò thở ôxy vì viêm phổi cấp. Khuôn mặt của cô tái xanh khi được em trai cho biết kết quả xét nghiệm. Cậu em than thở: “Chúng em quê ở Hà Tĩnh, chị em thấy khó thở vào xét nghiệm lại ra cái bệnh nan y này. Khổ quá bác sỹ ơi, con chị mới 5 tuổi không biết có bị nhiễm từ mẹ không?”…
An ủi, động viên, phân tích cho bệnh nhân và người nhà hiểu để cùng phối hợp điều trị, lúc này người em đã không còn hoảng hốt, nắm tay chị, dù khuôn mặt vẫn thẫn thờ. Hơn 11 giờ đêm, TS Cường mới có thời gian trò chuyện tiếp với tôi. Anh bảo, những tình huống như lúc nãy xảy ra hàng ngày, thậm chí nhiều trường hợp còn éo le hơn. “Bắt tay vào một ca mổ cho bệnh nhân HIV thực sự lao vào một cuộc chiến đầy nguy hiểm. Cuộc chiến đó không được phép sơ sẩy. Việc mổ, điều trị, tiếp xúc và sống chung với hàng nghìn bệnh nhân HIV là việc thường ngày của chúng tôi”, anh tâm sự. Chúng tôi hiểu rằng, cũng nhờ các bác sỹ như anh, nhiều bệnh nhân HIV từ chỗ chờ chết bỗng như phép màu được nối dài thêm sự sống.
Bác sỹ của 1.180 bệnh nhân HIV
Cách đây 9 năm, khi bắt đầu có các dự án của các chương trình quốc tế tài trợ thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân từ Mỹ, Đỗ Duy Cường là một trong những người tiên phong triển khai các phòng khám HIV ở tuyến huyện. Lúc đó, anh chọn điểm nóng về căn bệnh này là tỉnh Quảng Ninh. Anh Cường nhớ lại, trên bàn thờ của một gia đình ở Vân Đồn (Quảng Ninh) có tới 5 di ảnh của những người trẻ chết vì AIDS và anh cũng đã nhìn tận mắt một nghĩa địa ở Cẩm Phả có tới hàng trăm ngôi mộ trẻ phủ những vòng hoa trắng vì căn bệnh này. Những hình ảnh đó luôn làm anh thấy day dứt. Khi bảo vệ luận án tiến sỹ thành công ở Thụy Điển, các thầy ở đó mời anh ở lại nghiên cứu anh đã từ chối: “Cảm ơn thầy. Em còn hơn 1.000 bệnh nhân HIV ở Việt Nam”.
Bắt đầu ngày làm việc từ 7 giờ sáng và trực đến 7 giờ tối mai mới được về nhà, ca trực của anh có khi kéo dài tới 48 tiếng. Anh bảo, không chỉ riêng anh, với cương vị Trưởng phòng điều trị ngoại trú Khoa Truyền nhiễm mà tất cả y, bác sỹ ở đây đều phải làm việc với cường độ như thế. Ở Khoa Truyền nhiễm, có 120 bệnh nhân nội trú và chỉ có 2 bác sỹ mỗi ca.
Anh Cường tâm sự: “Việc nhiều, người ít. Chẳng mấy ai mặn mà với công việc của một bác sỹ làm về truyền nhiễm, đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, nguy cơ phơi nhiễm và độc hại cao… Ngay tâm lý bệnh nhân khi được giới thiệu vào Khoa Truyền nhiễm đã chẳng ai muốn nhất là khi đến nơi thấy điều trị lại xuống cấp, tọa lạc ở nơi hẻo lánh như thế này”.
Kể về những ngày đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh này, anh cho biết đó là vào năm 1995, khi đang học bác sỹ nội trú ở Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, Viện tiếp nhận một thanh niên người Quảng Bình với các triệu chứng sốt dai dẳng, tiêu chảy nhiễm trùng và sút cân. Ban đầu, các bác sỹ nghi là bị thương hàn, nhưng điều trị mãi không hết sốt, sau đó lại phát hiện trong họng có nấm. Khi đó, bệnh nhân được nghi là bị nhiễm trùng cơ hội trên một cơ thể suy giảm miễn dịch và mẫu máu bệnh nhân được gửi đi xét nghiệm thì kết quả không ngờ là dương tính với HIV.
Anh nhớ lại: “Lần đó, mình thực sự hoảng sợ ghê lắm! Thì ra, căn bệnh bấy lâu nay vẫn nghe nói chỉ xuất hiện ở các nước Âu, Mỹ xa xôi, giờ bắt đầu xuất hiện ở ngay nơi mình sinh sống và làm việc… Mọi người thậm chí chỉ dám nhìn bệnh nhân từ xa, không dám sờ vào họ vì sợ lây. Còn mình thì ngại thăm khám, có khi phải đi 2 lần găng…”. Giờ đây, công việc của anh là hàng giờ tiếp xúc với bệnh nhân HIV trong Khoa và hơn 1.180 bệnh nhân HIV điều trị ngoại trú. Núi công việc khiến anh không còn nhiều thời gian dành cho gia đình. Con ốm thậm chí anh còn chưa kịp gọi về. Khi nghe tôi hỏi vợ anh có thông cảm cho mình về đặc thù công việc không, anh đáp: “Không!”. Câu trả lời khiến tôi thấy bất ngờ và trăn trở.
Đau đáu nỗi niềm làm sao vơi bớt bất hạnh của các bệnh nhân không may mắn nhiễm HIV- đó chính điều đã níu giữ TS Đỗ Duy Cường ở lại Việt Nam. Và chúng tôi cũng biết rằng, anh nói “vợ không thông cảm cho mình” chỉ là câu đùa. Cũng đúng thôi, nếu vợ không thông cảm, không hiểu tính chất công việc của chồng thì làm sao chị chấp nhận được một người đến tận 30 tuổi mới chính thức nhận đồng lương đầu tiên để rồi trở thành một chuyên gia hàng đầu về HIV/AIDS như bây giờ.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.