Ngáy và ngừng thở khi ngủ

Khi phát hiện tình trạng ngáy hoặc ngừng thở lúc ngủ thì cần điều trị ngay, không nên để kéo dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm

Có nhiều người mắc bệnh ngáy hoặc ngừng thở nhiều lần trong khi ngủ. Khoảng 80% nam giới và 60% nữ giới thường ngáy khi ngủ; còn ngáy và ngừng thở khi ngủ thì gặp ở 4% nam giới và 2% nữ giới.

Ngáy và cách xử trí

Ngáy là do màn hầu, phần mềm của thành trên khoang miệng, bị rung lên khi thở. Những người ngủ ở tư thế nằm ngửa hay ngáy nhất vì tư thế này làm giãn cơ khiến không khí từ mũi, họng phải cố mở đường đi vào khí quản nên làm rung vang màn hầu.

Ngáy và ngừng thở khi ngủ - 1


Lệch vách ngăn mũi, viêm niêm mạc mũi, phì đại amiđan... có thể dẫn đến tình trạng ngáy Ảnh: TẤN THẠNH

Ngáy có thể là hậu quả của hiện tượng tắc nghẽn lưu thông khí giữa mũi và họng như trong trường hợp lệch vách ngăn mũi, viêm niêm mạc mũi, phì đại amiđan hoặc sùi vòm họng, lưỡi gà to, lưỡi to. Ngáy cũng hay gặp ở người béo phì hoặc người bị dị dạng đường thở. Đáng chú ý là những bệnh nhân hôn mê sâu thường thở rống và ngáy rất to.

Những người ngáy nhỏ có thể hết ngáy nếu ngủ không nằm ngửa. Ngáy sẽ đỡ rất nhiều nếu bệnh nhân bỏ rượu và thuốc lá, không dùng thuốc ngủ và giảm cân nặng ở người béo phì. Nếu ngáy ở mức độ nặng, nhất là ngáy kèm theo tình trạng ngừng thở khi ngủ, cần được phẫu thuật tạo hình hầu, mới đem lại kết quả tốt. Tiêu chí của cuộc phẫu thuật là làm rộng hầu bằng cách cắt bỏ phần thấp của vòm miệng để khí lưu thông dễ dàng. Hơn 80% trường hợp phẫu thuật tạo hình hầu có kết quả tốt. Có thể mổ bằng laser sau khi đã gây tê tại chỗ cho bệnh nhân. Một số phẫu thuật khác đòi hỏi phải gây mê cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, việc ăn uống sẽ gặp khó khăn trong 1 tuần.

Ngừng thở và cách điều trị

Hiện tượng ngừng thở gặp ở cả nam và nữ, thuộc mọi lứa tuổi, càng lớn tuổi càng hay gặp. Theo nhiều nghiên cứu, ở những người từ 30-50 tuổi, cứ 100 người thì có 1 người bị tình trạng ngừng thở, thường là người béo phì hoặc ngáy to.

Ngừng thở biểu hiện bằng một loạt lần ngừng thở nối tiếp nhau, mỗi lần ngừng từ 20-30 giây trong lúc tim vẫn đập bình thường. Sau mỗi lần ngừng thở, người bệnh lại đột ngột thở lại ngay và bừng tỉnh dậy. Nếu ngừng thở quá nhiều lần, chẳng hạn trên 30 lần trong 6 giờ, sẽ làm giảm lượng ôxy cung cấp cho máu. Bệnh nhân không nhớ gì về những lần bừng tỉnh sau khi ngừng thở mà chỉ cảm thấy mình đã ngủ không tốt. Một số khác lại phàn nàn là toàn nằm mơ khi ngủ, đêm ra nhiều mồ hôi, sáng dậy thấy đau đầu, ban ngày khó tập trung tư tưởng và ngủ gật.

Sau nhiều năm, bệnh sẽ có biến chứng suy hô hấp mạn tính và các rối loạn tim mạch như cao huyết áp, đau tim, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, thậm chí đột tử. Có một loại ngừng thở khi ngủ là hội chứng Pickwick chỉ gặp ở người béo phì, đó là ngừng thở khi ngủ ban đêm, ngủ gật ban ngày và xuất hiện hiện tượng tím tái (móng tay và môi xanh).

Tình trạng ngừng thở thường rơi vào bệnh nhân béo phì nên giảm cân là yêu cầu đầu tiên đối với những người này. Bên cạnh đó, bệnh nhân không được uống rượu 2 giờ trước khi đi ngủ, không được uống thuốc ngủ. Từ lâu đã có một cách điều trị là cho bệnh nhân đeo mặt nạ che kín mũi và miệng trong khi ngủ; dùng một máy nén khí đưa khí qua mặt nạ vào mũi, đi sâu vào các đường thở để giữ cho chúng lúc nào cũng mở rộng, nhờ vậy sẽ duy trì một áp lực giương cố định ở các đường thở. Nhưng nhiều khi cũng phải cần đến phẫu thuật để làm cho khí lưu thông dễ dàng, chẳng hạn như sửa vách ngăn mũi, tạo hình hầu, cắt bỏ amiđan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN