Ngày nắng nóng, ở trong nhà cũng có thể gặp nguy hiểm vì những bệnh này

Sự kiện: Sống khỏe

Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.

Ngày nắng nóng, ở trong nhà cũng có thể gặp nguy hiểm vì những bệnh này - 1

Theo Bộ Y tế, Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch…

Tuy nhiên khi thời tiết quá nắng nóng, không chỉ ở ngoài đường mới có nguy cơ cao về bệnh tật, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ trong nhà quá cao, bạn cũng hoàn toàn có thể mắc phải những căn bệnh nguy hiểm sau:

Rối loạn giấc ngủ

Nhiệt độ cao trong những ngày nóng bức khó chịu sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Trên thực tế, phạm vi nhiệt độ lý tưởng cho hầu hết mọi người để tận hưởng giấc ngủ giúp phục hồi cơ thể là rất nhỏ, từ khoảng 60-68 độ F (tức khoảng từ 15 đến 20 độ C). Nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ.

Hậu quả của giấc ngủ kém chất lượng là sự sụt giảm rõ rệt hiệu quả hoạt động của cơ thể. Thiếu ngủ cũng gây ra sự gia tăng sản xuất một loại hormone gọi là ghrelin, có liên quan đến sự thèm ăn. Do đó, giấc ngủ kém liên tục cũng liên quan đến tình trạng tăng cân.

Một số nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa thiếu ngủ mãn tính và huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, lo lắng, trầm cảm, chất lượng cuộc sống thấp hơn và thậm chí tử vong sớm.

Rối loạn cảm xúc

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những khó chịu về thể chất cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta. Giới khoa học cũng ủng hộ giả định này với nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nhiệt độ quá cao trong nhà có thể dẫn đến cảm giác chán nản, lo lắng, tức giận và tuyệt vọng.

Trên thực tế, bạn có thể gặp phải tình trạng gọi là SAD - rối loạn cảm xúc theo mùa, trong những tháng hè nắng nóng. Rối loạn cảm xúc do nhiệt gây ra có thể xuất hiện trong bất kỳ môi trường xã hội nào, dù là ở nhà hay nơi làm việc, đôi khi có thể dẫn đến tranh chấp giữa các cá nhân và thậm chí là bạo lực.

Bệnh về hô hấp

Đối với những người có vấn đề về hô hấp từ trước, nhiệt độ cao trong nhà có thể khiến việc thở trở nên đặc biệt khó khăn. Mặc dù các nhà khoa học chưa chắc chắn về nguyên nhân gây nên bệnh hô hấp nhưng nó dường như có liên quan với độ ẩm và chất lượng không khí. Môi trường nóng, ẩm trong mùa hè có thể là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc, hoặc khiến khói bụi trong không khí tồn tại gần mặt đất hơn.

Người ta đã chứng minh được rằng, trong mọi trường hợp, nhiệt độ trong nhà tăng lên đã làm tăng số lượng các ca khám và điều trị ở những người bị khó thở, đồng thời tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những người mắc bệnh cũng tăng lên.

Kiệt sức và say nắng

Một ngôi nhà quá nóng có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức hoặc say nắng vì nhiệt độ quá cao, đặc biệt là khi kết hợp với độ ẩm cao. Thông thường khi trời nóng, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách đổ mồ hôi, rồi khi mồ hôi đó bay hơi sẽ làm mát cho chúng ta. Nhưng khi thời thiết ẩm ướt, sự bốc hơi chậm lại khiến chúng ta mệt mỏi và cảm thấy vô cùng khó chịu.

Kiệt sức do nhiệt xảy ra trước khi say nắng và là một dấu hiệu cần cảnh báo. Các triệu chứng kiệt sức bao gồm chóng mặt, buồn nôn, yếu và khát cực độ. Trong giai đoạn này, nhiệt độ bên trong cơ thể thường vẫn bình thường, bề mặt da có cảm giác lạnh và khó chịu. Điều cần nhất khi đó là nghỉ ngơi trong một môi trường mát mẻ giúp cơ thể phục hồi.

Khi bị say nắng, điều quan trọng là phải gọi trợ giúp ngay lập tức. Dấu hiệu đầu tiên thường là bị ngất, nhưng bạn cũng có thể nhận thấy qua những lời nói khác lạ, không mạch lạc hoặc có hành vi hung hăng. Bạn có thể làm mát cho người bị say nắng, nhưng không được cho họ uống bất kỳ loại chất lỏng nào vào thời điểm này. Hãy chờ bộ phận chăm sóc y tế đến.

Biến chứng thai kỳ

Phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng cao hơn do nhiệt độ cao ở trong nhà. Họ có nhiều khả năng bị kiệt sức vì nóng hoặc say nắng vì cơ thể họ vốn đã khó khăn trong mọi hoạt động.

Mất nước là một rủi ro đối với bất kỳ ai trong những ngày nắng nóng với nhiệt độ cao, nhưng ở phụ nữ mang thai, điều này có thể gây ra các cơn gò Braxton-Hicks. Bất kỳ vấn đề liên quan đến nhiệt cũng có thể gây ra chóng mặt dẫn đến ngã và thương tích cho em bé.

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng như sau:

Uống nhiều nước

Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi. Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Mặc trang phục mát

Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt... Ngoài ra cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Giữ nhà cửa thông thoáng

Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà. Lưu ý tắt hết đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì các thiết bị này tỏa nhiệt nóng.

Tránh xa ánh nắng

Nếu cần thiết phải ra nắng thì cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15. Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Không nên tập thể dục quá nhiều vào các thời điểm nắng gắt trong ngày. Thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể, ví dụ như xả nước mát. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt…

Khi dùng quạt và điều hòa cần lưu ý

Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ bị nhiễm lạnh. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

Nguồn: [Link nguồn]

Muốn ngủ ngon, không được làm 5 điều này trước khi đi ngủ trong mùa hè nóng bức

Cái nóng ngột ngạt khiến nhiều người khó thể có một giấc ngủ sâu, trọn vẹn suốt cả đêm. Một số người nghĩ rằng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quảng An ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN