Ngay cả khi mắc COVID-19 nhẹ, não bộ cũng có sự tổn thương, chất xám bị giảm đáng kể
Các nhà khoa học đang kêu gọi nghiên cứu thêm tại sao những bất thường về não bộ lại xảy ra, và liệu chúng có bất kỳ tác động lâu dài nào hay không.
Theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 7/3/2022 trên tạp chí Nature cho thấy, những người bị nhiễm COVID-19, bao gồm cả những trường hợp nhẹ đều có thể bị tổn thương mô não, chất xám bị giảm đáng kể so với những người không bị nhiễm COVID-19.
Nghiên cứu được thực hiện trên 785 bệnh nhân người Anh, tuổi từ 51 – 81, đã trải qua ít nhất 2 lần quét não, được thực hiện cách nhau trung bình 3 năm. Tổng cộng 401 người tham gia xét nghiệm dương tính với việc nhiễm SARS-CoV-2 (virus gây ra COVID-19) giữa 2 lần quét não. 15 người trong số đó phải nhập viện.
Gwenaelle Douaud, tác giả của nghiên cứu này đồng thời là tiến sĩ - trợ lý giáo sư tại khoa Thần kinh học lâm sàng ở Đại học Oxford cho biết: “Mặc dù có tình trạng nhiễm trùng nhẹ đối với 96% người tham gia, nhưng chúng tôi nhận thấy lượng chất xám giảm đáng kể, mô não bị tổn thương nhiều hơn ở những người bị nhiễm COVID-19”.
Trung bình những người bị nhiễm COVID-19 mất thêm 0,2% - 2% chất xám hoặc bị tổn thương mô não so với những người không bị nhiễm COVID-19. Vùng não bị tổn thương nhiều nhất có liên quan tới khứu giác. Đây cũng là lý do có nhiều người từng nhiễm COVID-19 phàn nàn về việc mình bị mất khứu giác tạm thời.
COVID-19 ảnh hưởng đến nhận thức
Trong các bài tập tâm lý thần kinh liên quan đến trình tự các số và chữ cái, những người sống sót sau khi mắc COVID-19 mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ so với những người không bị nhiễm bệnh.
Michelle Monje – Deisseroth, giáo sư thần kinh học tại Đại học Stanford cho biết, nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng thuyết phục rằng, COVID-19 có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc và chức năng của não, ngay cả ở những người nhiễm bệnh nhẹ.
Vì thời gian nghiên cứu kết thúc vào tháng 4 năm 2021, các nhà khoa học lưu ý rằng, các kết quả chủ yếu phản ánh các tác động liên quan đến chủng coronavirus ban đầu, với biến thể Alpha, Delta nhưng không có Omicron.
Mối liên hệ giữa COVID-19 với não bộ
Ngay từ mùa hè năm 2020, Đại học Johns Hopkins đã báo cáo rằng, bệnh nhân COVID-19 đã trải qua một loạt các tác động tiêu cực đến não, bao gồm các triệu chứng như lú lẫn và đột quỵ đe dọa tính mạng. Đối với nhiều người nhiễm COVID-19, một trong những dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên là đau đầu dữ dội.
Một nghiên cứu từ Đại học Pittsburgh được công bố trên trang JAMA Network Open vào tháng 5/2021 cho thấy rằng, trong số 3.744 bệnh nhân người lớn nhập viện vì COVID-19, 4/5 người có các triệu chứng thần kinh, gần 4/10 bệnh nhân cho biết họ bị đau đầu và khoảng 3/10 bệnh nhân bị mất khứu giác hoặc vị giác.
Nghiên cứu của Trường Y NYU Grossman được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh vào năm 2021 cho thấy, 91% bệnh nhân nhập viên dù có được chẩn đoán mắc các vấn đề thần kinh hay không, đều gặp các vấn đề về não bộ sau 6 tháng kể từ lúc xuất viện.
Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng, những phát hiện này có thể là dấu hiệu của sự lan truyền thoái hóa của COVID-19, thông qua các con đường liên quan đến khứu giác, tình trạng viêm hoặc phản ứng miễn dịch của hệ thần kinh.
Monje-Deisseroth cho biết thêm rằng, cần phải nghiên cứu thêm để hiểu đằng sau tác động của virus lên não. Bà nói: “Các chiến lược điều trị tiềm năng để giảm thiểu những tác động này là cần thiết”.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ trong vòng 1 tháng, rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 đã điều trị khỏi lại quay về là F0 khi tái nhiễm bệnh 2-3 lần. Vậy để tránh tình trạng “F0 lại hoàn F0” này, bạn...