Ngăn chặn lạm dụng kháng sinh

Giữa tháng 9.2013, Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020, đồng thời xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh cho các bệnh điển hình, nhằm hạn chế tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan.

ThS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh (dưới nhiều hình thức) ở nước ta đang rất nguy hiểm. Khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy.

Nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Có tới 91% số người dân mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc. Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29,1%), cephalexin (12,2%) và azithromycin (7,3%).

Ngăn chặn lạm dụng kháng sinh - 1

Rất nhiều người dân mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc.

Thời gian tới, Bộ Y tế vạch kế hoạch hành động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc... TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khẳng định, việc chống lạm dụng kháng sinh thực sự cần phải có biện pháp quyết liệt.

Thực tế ở BV Nhi T.Ư cũng có tới 44% số bố mẹ bệnh nhi tự mua kháng sinh điều trị cho con. Nếu dùng liều không hợp lý, bệnh không đỡ, có nguy cơ kháng kháng sinh, đồng thời một số loại thuốc có thể gây hội chứng tái xanh ở trẻ sơ sinh...

Bộ Y tế cũng cảnh báo và kiểm soát cả lượng kháng sinh “ngấm” vào cơ thể người qua thực phẩm. Ths Thái cho rằng, việc sử dụng nhiều loại kháng sinh trong chăn nuôi cũng khiến thực phẩm có nhiều tồn dư kháng sinh, người sử dụng loại thực phẩm này cũng có nguy cơ kháng kháng sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN