Nếu có những dấu hiệu sau, chắc chắn bạn đã bị trầm cảm
Nhiều người do hoàn cảnh (mất mát người thân, li dị, sống độc thân, lạm dụng tình dục) rất dễ bị trầm cảm.
Một bà mẹ sát hại con ở Hà Nội nghi do trầm cảm.
Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp đôi so với nam giới
Ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, mỗi năm có khoảng 30% số bệnh nhân đến khám mắc trầm cảm.
Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe thâm thần năm 2016, 36,5% bệnh nhân ở độ tuổi 45 bị trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
BS Phương chỉ ra những biểu hiện dễ nhận biết ở người trầm cảm đó là: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; Khó tập trung suy nghĩ, hay quên; Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì; Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; Hay cáu gắt, giận dữ; Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, rối loạn tiêu hóa…
BS Phương cũng lưu ý nhiều người do hoàn cảnh nên dễ dẫn tới trầm cảm như: Mất mát người thân; Li dị, sống độc thân; Thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng; Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm; Lạm dụng rượu và các chất ma túy; Thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc; Thất nghiệp, hoặc có các bệnh cơ thể mạn tính; Bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục; Xung đột cá nhân trong các mối quan hệ.
“Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần. Sự thay đổi hormone ở phụ nữ lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm”, BS Phương cho hay.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Khoa Khám bệnh (BV Từ Dũ), dưới đây là một số dấu hiệu để nhận biết sớm chứng bệnh trầm cảm sau sinh:
Suy nhược cơ thể: Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.
Lo lắng: Những bà mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.
Triệu chứng thường gặp nhất là đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị.
Người mẹ cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ. Trong trường hợp này, người mẹ thường không đến bệnh viện khám nên gia đình cần mời bác sĩ đến nhà.
Hoảng hốt: Người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại. Vì thế, tốt nhất là giúp họ tránh những tình huống mà họ bị stress.
Căng thẳng: Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được.
Cảm giác bị ám ảnh: Người mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.
Mất tập trung: Một bà mẹ trầm cảm thường khó tập trung đọc sách, xem TV hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ kém đi và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ.
Rối loạn giấc ngủ: Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không thể ngủ được. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được. Tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
Mất hứng thú tình dục: Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh.
Hành động vô thức như có ai đó xui khiến của những bà mẹ mắc trầm cảm, tâm thần đã giết chết biết bao đứa trẻ...