Nếu bạn nghĩ mình trẻ thế này không thể bị đột quỵ, những điều này sẽ khiến bạn nghĩ lại
Ca sĩ Vân Quang Long, cựu thành viên nhóm nhạc 1088, vừa qua đời vì đột quỵ. Hầu hết mọi người đều thấy lứa tuổi 41 của anh là “khá trẻ” để bị đột quỵ, bởi ai chẳng nghĩ “đột quỵ” là vấn đề của người già. Nhưng phải già đến mức nào mới có nguy cơ đột quỵ? Câu trả lời là: Trẻ hơn bạn nghĩ đấy!
Đối với hầu hết những người trẻ tuổi, thì nguy cơ bị đột quỵ dường như là chuyện… không thực tế. Nhưng thực tế chính là thế này đây: Không có khái niệm nào gọi là “còn trẻ nên không thể bị đột quỵ” cả.
Đúng là nguy cơ bị đột quỵ tăng lên theo lứa tuổi, nhưng đột quỵ không phải là điều mà chỉ những người ở tuổi ông bà chúng ta mới gặp phải. Đột quỵ vẫn xảy ra ở những người trẻ tuổi - thậm chí là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Thực tế, có 10 - 15% cơn đột quỵ xảy ra ở những người khoảng 18 tuổi trở lên, chưa hề già, theo một nghiên cứu vào năm 2020 của tạp chí Stroke.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Ảnh: Shape.
Có một điều trớ trêu là, trong khi tỷ lệ đột quỵ nói chung đang giảm đi, đặc biệt là ở người trên 65 tuổi, thì tỷ lệ này lại đang tăng lên ở người trẻ tuổi.
Thực ra, đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể khá khác với ở người lớn tuổi. Người trẻ có nguy cơ bị đột quỵ do những nguyên nhân như: Có lỗ nhỏ ở hai tâm nhĩ, có từ khi mới sinh nhưng không được phát hiện ra; bóc tách động mạch ở cổ (nguyên nhân không rõ ràng, nhưng thường đi kèm với bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…); rối loạn đông máu (tạo thành cục máu đông)…
Ngoài ra, những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở bất kỳ lứa tuổi nào là: Huyết áp cao, cholesterol/ mỡ máu cao, thừa cân…
Thậm chí, có một vấn đề mới nảy sinh vào năm nay là virus corona mới có thể tạo những cục máu đông và gây đột quỵ ở những bệnh nhân trẻ tuổi, khỏe mạnh. Ảnh minh họa: The Daily Examiner.
Vấn đề cần quan tâm nhất ở đây là, những tình trạng này không tự nhiên đột ngột xuất hiện. Không phải vì bạn ăn một bữa thức ăn nhanh hay nghỉ tập thể dục một buổi mà bỗng nhiên bị huyết áp cao hoặc mỡ máu cao. Mà những tình trạng đó là do lối sống hằng ngày của bạn trong một thời gian dài.
Tức là, cách sinh hoạt mỗi ngày chính là điều đóng góp lớn vào nguy cơ đột quỵ của bạn, dù bạn ở tuổi nào. Bạn càng không quan tâm đến sức khỏe của mình, thì nguy cơ đó sẽ đến càng sớm. Và có thể sớm hơn bạn tưởng rất nhiều.
Để giảm nguy cơ đột quỵ, bạn nên làm những việc này:
Điều nguy hiểm nhất là đột quỵ "đánh lừa" chúng ta rằng nó chỉ xảy ra ở người già. Ảnh minh họa: Katarzyna Bialasiewicz/ Getty Images.
- Ăn nhiều rau củ quả tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, không uống nước ngọt, giảm ăn muối. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thì người trẻ tuổi, bao gồm cả trẻ em, hiện nay ăn nhiều muối hơn mức cho phép (mức cho phép là 2.300mg, nhưng mọi người thường ăn đến 3.300mg/ ngày).
- Không hút thuốc, đây chính là cách hiệu quả để giảm nguy cơ đột quỵ.
- Vận động hằng ngày, và nếu bạn có một tình trạng di truyền nào đó, nên gặp bác sĩ để được kiểm tra đều đặn.
Bác sĩ thần kinh học Blake Buletko ở Bệnh viện Cleveland (Ohio, Mỹ), nói: “Thay đổi các yếu tố nguy cơ chính là bước quan trọng nhất mà bạn có thể làm để ngăn chặn việc bị đột quỵ ngay khi còn trẻ”.
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với nhiều dấu hiệu.
Nguồn: [Link nguồn]