Nắng nóng, bệnh dại bùng phát ở miền Bắc

Bộ Y tế cảnh báo, số ca mắc bệnh dại sẽ bùng phát mạnh từ tháng 5 đến tháng 8.

22 trường hợp tử vong do bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tất cả các trường hợp này đều không đi tiêm phòng hoặc tiêm phòng muộn sau khi bị chó cắn.

Số liệu mới nhất từ Cục  Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca tử vong do bệnh dại ở nước ta đến thời điểm này có giảm 18 trường hợp so với cùng kỳ 2013, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 86%), miền Trung (14%), khu vực miền Nam và Tây Nguyên chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng nhận định, do bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng nên số trường hợp mắc bệnh dại có thể sẽ gia tăng vào thời gian tới, đỉnh điểm là từ tháng 5 đến tháng 8.

Mới đây nhất, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 16-22/5), cả nước đã ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang và Yên Bái.

Nắng nóng, bệnh dại bùng phát ở miền Bắc - 1

Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã xác nhận 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại sau 3 năm vắng bóng. Hai trường hợp này thuộc xã Hoàng Diệu­ huyện Chương Mỹ và xã Bắc Sơn­ huyện Sóc Sơn.

Theo điều tra của Sở Y tế Hà Nội, cả hai trường hợp này đều chưa được tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó nghi dại cắn.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay bệnh dại vẫn còn tồn tại trên toàn thế giới, chưa thanh toán được. Bệnh dại đang là gánh nặng rất lớn đối với sức khỏe người dân.

Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 55 nghìn người chết và hơn 15 triệu người phải tiêm vắc-xin phòng dại do bị động vật nghi dại cắn. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao bệnh dại, với khoảng hơn 100 người chết do bệnh dại hằng năm.

Tiêm vắc xin sẽ phòng tránh bệnh dại

Theo ông Phu, tâm lý vừa để giữ nhà vừa làm thực phẩm, nên rất nhiều gia đình ở Việt Nam nuôi chó, mèo trong nhà. Vì vậy, số lượng đàn chó, mèo tại các địa phương rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý đàn chó, mèo tại các địa phương còn lỏng lẻo như chó ra ngoài không rọ mõm, chó chạy rông ngoài đường rất nhiều…

Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo ở các địa phương chưa cao vì sự quan tâm và nhận thức của người dân đối với việc này còn hạn chế. Ngoài ra, do chủ quan không phải tất cả những trường hợp bị chó, mèo cắn đều mắc bệnh dại nên nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật. 

Nắng nóng, bệnh dại bùng phát ở miền Bắc - 2

Những trường hợp bị chó, mèo cắn đều mắc bệnh dại

Khi bị động vật dại cắn, bệnh nhân lên cơn dại có biểu hiện lâm sàng rất rõ nét như: đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức. Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn. Đặc biệt, tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính khẳng định, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

Đối với con người, chỉ tiêm phòng bệnh dại khi bị động vật nghi dại cắn. Tốt nhất là sau khi bị động vật cắn, phải theo dõi và chăm sóc con vật đó cẩn thận. Nếu sau 7 ngày, động vật đó không chết thì không phải tiêm. Trong trường hợp không theo dõi được tình trạng của động vật đó hoặc bị cắn vào vùng đầu, mặt, cổ thì phải đi tiêm phòng ngay.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các huyện có các điểm tiêm phòng dại cho người dân. Tại một số tỉnh cũng đã có hỗ trợ kinh phí cho những người nghèo được tiêm phòng bệnh dại.

Xử lý người bị súc vật nghi dại cắn

- Rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc.

- Vết thương bẩn, giập nát cần cắt lọc.

- Để hở vết thương, chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày.

- Theo dõi súc vật cắn trong vòng 10 ngày: Tuyệt đối không giết chết súc vật cắn. Coi tất cả những súc vật cắn không theo dõi được đều là bị dại.

- Tiêm phòng vắc-xin uốn ván.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN