Nắng nóng 40 độ, cảnh báo nguy cơ hạ đường huyết
Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội lên đến 40-42 độ C, nắng nóng kèm theo nhiều nguy cơ đổ bệnh, với những người bị tiểu đường thì càng nguy hiểm hơn.
Ngất xỉu vì nắng nóng
Đi bộ từ nhà ra đến chợ, vừa về đến đầu ngõ, bác Nguyễn Thị Mành trú tại Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội thấy người mệt mỏi, mắt hoa lên và người vã mồ hôi như tắm. Không kịp vào đến trong nhà, bác Mành khuỵ ngay ở cổng. May mắn hàng xóm và người quen đến đưa bác vào nhà.
Bác Mành là bệnh nhân tiểu đường 7 năm nay. Bác cho biết hàng ngày bác vẫn đo đường huyết bình thường và uống thuốc đầy đủ. Nhưng mấy hôm nay nắng lên bác thấy người rất mệt. Có thể do triệu chứng của hạ đường huyết gây ra.
Năm ngoái, bác cũng bị ngất vì hạ đường huyết do thời tiết quá nắng. Dù có kinh nghiệm nhưng ở cái nắng nóng này, dù có chuẩn bị thì đường huyết vẫn lên xuống một cách khó kiểm soát.
Thở không ra hơi, ông Bùi Văn Hà trú tại Đống Đa, Hà Nội vội vàng tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn vì sức khoẻ của ông mấy ngày nắng rất tệ hại.
Ông Hà 71 tuổi, bị tiểu đường nhiều năm, đã phải cắt bỏ hai ngón chân do biến chứng của tiểu đường. Vào những ngày nóng nắng, việc kiểm soát đường máu với ông rất khó.
Hôm trước ông Hà vừa bị khát nước, đi tiểu nhiều, buồn nôn và ói mửa, khó thở, nhịp tim nhanh. Do quản lý bệnh tiểu đường tốt nên ông kịp thời đo đường huyết và uống thuốc hạ đường huyết nên không dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng với những bệnh nhân như ông Hà vừa bị tiểu đường, cao huyết áp thì những ngày nắng nóng này tâm trạng như ngồi trên đống lửa. Ông không dám ra nắng vì sợ sốc nhiệt, mà chỉ đi lại quanh nhà.
Theo các chuyên gia y tế việc quản lý kém bệnh tiểu đường những ngày nắng này rất nguy hiểm. Nếu không theo dõi lượng đường trong máu đúng, hoặc uống thuốc theo chỉ dẫn đúng, không chỉ có nguy cơ cao hơn về phát triển các biến chứng lâu dài mà còn có nguy cơ cao bị hôn mê.
Nguy cơ tăng, hạ đường huyết thất thường
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phóng khám nội tiết Thái Hà, thời tiết nóng nực có thể ảnh hưởng đến đường máu theo cả 2 chiều hướng: tăng và hạ đường máu.
Việc tăng và hạ đường huyết đột ngột rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hôn mê. Nếu không cấp cứu có thể để lại biến chứng não không phục hồi, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong.
Bác sĩ Cường cho rằng hiện nay, biến đổi khí hậu làm cho thời tiết càng trở nên gay gắt: trời nóng hơn và thay đổi nhanh hơn. Với người bình thường đã cảm thấy khó thích nghi và khó chịu. Với người tiểu đường, thời tiết quá nóng bức còn thêm nguy cơ tăng hoặc giảm đường máu.
Theo bác sĩ Cường vì thời tiết nóng bức làm mất nước qua mồ hôi và hơi thở khiến cho máu bị cô đặc và do vậy đường máu tăng cao. Nếu bạn dùng nhiều nước ép quả hoặc nước ngọt giải khát thì đường máu còn có thể tăng rất cao.
Người tiểu đường cần phải uống nước đều đặn cả ngày, chủ yếu là nước lọc. Bác sĩ vẫn khuyên, với bệnh nhân tiểu đường hãy uống ngay cả khi chưa cảm thấy khát.
Mặt khác, người tiểu đường đồng thời đối diện với nguy cơ bị hạ đường máu khi trời quá nóng bức. Thời tiết nóng làm gia tăng chuyển hóa, với những người tiêm insulin thì insulin tại nơi tiêm có xu hướng hấp thu nhanh hơn (do mạch máu dưới da giãn hơn) nên đường máu có thể thấp hơn bình thường. Thời tiết quá nóng cũng làm cho chúng ta mệt mỏi, chán ăn. Vì vậy nguy cơ hạ đường máu cũng có thể gia tăng.
Các triệu chứng hạ đường máu vào những ngày nóng nực có thể khó nhận biết hơn bình thường: dấu hiệu vã mồ hôi hoặc cảm giác mệt mỏi được cho là do trời nóng cũng có thể là triệu chứng của hạ đường máu.
Bạn cần phải thử đường máu thường xuyên hơn nếu đi du lịch trong những ngày hè. Liều insulin có thể cần phải thay đổi nếu người bệnh từng có những rắc rối liên quan đến thời tiết nóng bức.