Nạn nạo phá thai giảm, vô sinh tăng
Chưa kịp mừng vì Việt Nam đã thoát khỏi danh sách một trong những quốc gia hàng đầu về tỉ lệ nạo phá thai cao, thì đã lại giật mình vì tỉ lệ vô sinh ngày càng tăng. Hai vấn đề lớn trong chăm sóc sức khỏe đang là thách thức cho ngành sản khoa hiện nay.
20% số ca phá thai thuộc về trẻ dưới 18 tuổi
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết: “Tỉ lệ phá thai ở Việt Nam từng có thời gian ở mức 100/100, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì cũng có 100 ca phá thai. Thậm chí ở khu vực thành thị năm 2003, tỉ lệ phá thai lên tới 190%, năm 2006 là 140%. Với tình trạng này, Việt Nam đã được coi là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tuy nhiên, theo xu hướng từ năm 2007 đến nay đã giảm, còn khoảng 54 - 60 ca phá thai/100 trẻ ra đời”.
Cần có những kiến thức và kỹ năng sức khỏe sinh sản đầy đủ, các cặp vợ chồng mới có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Tuy nhiên, trong những tín hiệu tích cực này vẫn còn những mảng tối, đó là phá thai vị thành niên khá cao- chiếm tới 20%. Và đây cũng chỉ là thống kê được chỉ ra từ các bệnh viện khu vực nhà nước. Không ai thống kê được số liệu này từ các phòng khám tư nhân mở ra ngày càng đông đảo hiện nay.
Mà các em vị thành niên, không phải ai cũng “dũng cảm” đến cửa bệnh viện nhà nước để được phá thai an toàn. Ngay các bác sĩ sản phụ ở Hà Nội, không ít người đã phải than lên rằng, có những cháu học sinh, những em sinh viên chưa quá 20 tuổi đời, số lần đến giải quyết hậu quả đã qua số ngón tay trên 1 bàn tay.
Cuống cuồng phá thai rồi lại sốt ruột chữa vô sinh
Hậu quả của phá thai nhiều lần ấy không thể hiện ngay và phải vài năm sau, khi mà những vị thành niên của 5 - 7 năm trước giờ thành những phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản, thực hiện trách nhiệm làm vợ, sau đó làm mẹ. Họ giật mình vì năm xưa cuống cuồng đi phá thai, nay lại sốt ruột đi chữa vô sinh.
Tại khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TƯ, cô gái Nguyễn Thanh Vân (ở Hà Nội) mới 22 tuổi, lập gia đình 1 năm đã xin được thụ tinh ống nghiệm - hy vọng cuối cùng dành cho cặp vợ chồng hiếm muộn. Chị em xung quanh thấy cô gái trẻ tuổi như vậy nên hỏi sao đã phải cầu đến phương án cuối cùng ấy, cô chỉ nuốt nước mắt vì không làm sao lấy lại được thời gian quá tự do, phóng khoáng trong quá khứ của mình!
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế ứng phó với xu hướng giảm sinh ngày 27.3 ở Hà Nội - đưa ra 2 thông tin cho thấy rõ xu hướng vô sinh đang thực sự tăng lên. Nghiên cứu năm 2011 của Học viện Quân y 103 trên hơn 9.300 cặp vợ chồng cho thấy, tỉ lệ vô sinh chung là 3,2%; còn nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản TƯ và khoa Sản, Đại học Y Hà Nội trên 3.000 trường hợp công bố năm 2012 thì khoảng 7,7% số cặp vợ chồng vô sinh.
Đặc biệt là vô sinh thứ phát, tức là gặp khó khăn ở lần sau mang thai, chứ không phải lần đầu tiên. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng vô sinh này được chỉ ra chính là hậu quả của viêm nhiễm đường sinh sản, của việc phá thai.
Năm 2006, Việt Nam công bố đã đạt được mức sinh thay thế, mỗi bà mẹ có trung bình 2,09 con. Đây là một thành công của ngành dân số, cán đích vượt so với kế hoạch đề ra trước 4 năm. Nhưng tình trạng nạo phá thai còn cao, vô sinh trẻ hóa, vô sinh gia tăng - đó chắc chắn không phải là một thành công.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ- GS-TS Nguyễn Viết Tiến- cũng lại báo động thêm một thực trạng: Các cặp vợ chồng hiếm muộn cũng không “chịu” đi khám và chữa bệnh sớm; để đến khi tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, nhiều người tuổi đã cao, vừa tốn kém, vừa khó khăn cho điều trị mà hiệu quả không như mong muốn.
Tình dục, sinh sản duy trì nòi giống là nhu cầu chính đáng của mỗi con người; nhưng dường như kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản để thực hiện, làm chủ được những “quyền lợi” ấy không chỉ ở trẻ vị thành niên còn đang rất thiếu, mà ngay cả những người trưởng thành cũng có thể chưa đầy đủ. Và như các bác sĩ nói thật hình tượng và cũng rất chân thành: “Dạy đường chạy cho hươu, đâu chỉ cần cho lớp trẻ mà còn cần cho tất cả mọi người”.