Nặn mụn ở lưng, máu phun thành tia, nam thanh niên bất ngờ phát hiện bệnh này
Không ngờ, sau khi nặn được vài phút, nam thanh niên 18 tuổi ở Hà Nội bỗng thấy máu chảy dữ dội, “phun” thành tia.
Bệnh nhân là Dương Hồng Q. (18 tuổi, ở Hà Nội) vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu trong tình trạng chảy máu vùng lưng. Theo bác sĩ, mụn ở lưng thực chất là búi dị dạng động tĩnh mạch "ẩn" dưới da.
Trước đó, chàng trai trẻ thấy có khối màu đen ở da đằng sau lưng từ nhiều năm nay, tăng dần về kích thước, tuy nhiên tưởng chỉ là nốt ruồi bình thường nên không để ý hay xử trí gì. Gần đây, thấy khối đó to hơn, gây đau, khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, bệnh nhân tìm cách nặn.
Hình ảnh ổ dị dạng mạch "ẩn" dưới da lưng bệnh nhân.
Không ngờ, sau khi nặn được vài phút, Q bỗng thấy máu chảy dữ dội, “phun” thành tia. Thấy vậy, gia đình vội sơ cứu băng ép cầm máu sau đó đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tại đây, sau khi thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện nằm ẩn phía dưới vết chảy máu ngoài da là một khối dị dạng mạch rất lớn. Tổn thương là búi thông động tĩnh mạch lan tỏa dưới da và trong cơ lưng với động mạch đi vào ổ dị dạng tách trực tiếp từ động mạch chủ ngực.
Do áp lực dòng chảy lớn nên phần nằm nông dưới da của ổ dị dạng càng to dần theo thời gian. Khi vỡ ổ dị dạng ra ngoài thì lưu lượng dòng chảy rất lớn, nếu không sơ cứu cầm máu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút mạch để ngăn các nguồn cấp máu từ động mạch lớn sau đó phẫu thuật làm sạch ổ dị dạng. Theo đó, đầu tiên, bệnh nhân được chụp mạch và can thiệp nút tắc ổ dị dạng qua đường động mạch đùi.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp thực hiện ca can thiệp cho biết búi dị dạng động tĩnh mạch nằm ở phần mềm dưới da không phải hiếm gặp. Một tổn thương nhỏ nằm ngoài da nhưng có thể ẩn phía dưới là một khối dị dạng mạch với lưu lượng rất lớn. Nếu làm tiểu phẫu hoặc sinh thiết khối mà chưa có chẩn đoán xác định có thể gây chảy máu rất lớn.
Sau khi can thiệp ổn định, bệnh nhân được phẫu thuật ổ dị dạng. Ca phẫu thuật do TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Phó khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ thực hiện.
Theo bác sĩ, bới những ổ dị dạng động tĩnh mạch lớn và lan tỏa, bệnh nhân được can thiệp điều trị nút mạch giảm chảy máu sau đó việc phẫu thuật sẽ rất thuận lợi, có thể lấy bỏ hoàn toàn ổ dị dạng cho bệnh nhân.
Chuyên gia khuyến cáo, thấy có bất thường về sức khỏe, dù là nhỏ nhất cũng nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn hoặc can thiệp kịp thời, giúp nâng cao cơ hội điều trị; Tránh tâm lý chủ quan hoặc tìm cách tự chữa trị, thậm chí áp dụng các phương pháp chưa được kiểm chứng khiến tình trạng trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó, cũng cần biết một số cách sơ cứu cơ bản tại nhà như trường hợp chàng trai trên.
Mỗi khi chạm vào nước, cô phải chịu đựng sự đau đớn đến mức chỉ muốn hét lên.
Nguồn: [Link nguồn]