Nam thanh niên mắc bệnh hiếm gặp ở dạ dày, không thể nằm
Nam thanh niên 17 tuổi đau tức nhiều ở bụng không thể nằm được, luôn trong tư thế ngồi.
Trung tâm phẫu thuật tiêu hóa -Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận bệnh nhân nam, 17 tuổi, trong tình trạng buồn nôn, nôn liên tục, bụng chướng, đau tức bụng vùng thượng vị.
Bệnh biểu hiện 1 tuần nay với các triệu chứng trên, xu hướng nặng dần, đã điều trị tại Bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ, sau đó chuyển B2 điều trị.
Qua thăm khám thấy vùng thượng vị nổi gồ lên một khối căng, kích thước lớn khiến bệnh nhân đau tức nhiều không thể nằm được, luôn trong tư thế ngồi.
Hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy dạ dày giãn căng, lách lạc chỗ nằm vị trí hạ sườn phải ngay dưới gan, thận trái lạc chỗ nằm ở hố lách. Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn dạ dày và được xử trí cấp cứu: đặt Sonde dạ dày, hút ra được khoảng 4 lít dịch tiêu hóa lẫn thức ăn; Bù dịch, điện giải và mổ cấp cứu ngay sau đó.
Tổn thương trong mổ thấy dạ dày tự xoắn theo trục mạc treo của nó, 180 độ, cùng chiều kim đồng hồ, giãn căng, kéo theo lách sang vị trí hạ sườn phải. Trên nền bệnh nhân có bất thường giải phẫu cơ hoành: vùng cơ hoành trái phía trên hố lách dị dạng tạo thành một hốc lớn ở phía sau, thận trái lạc chỗ nằm ở hốc nay. Dạ dày xoắn chưa có biểu hiện hoại tử. Bệnh nhân đã được tháo xoắn thành công, đưa dạ dày, lách về vị trí giải phẫu bình thường, hút xẹp và cố định dạ dày vào thành bụng, cơ hoành trái.
Sau mổ ngày thứ 3, bệnh nhân đã trung tiện được, hết buồn nôn, bụng mềm, ăn nhẹ, vết mổ khô, dự kiến ra viện sau 5 ngày.
Theo các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật tiêu hóa - Bệnh viện Quân y 103, xoắn dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa hiếm gặp chủ yếu xảy ra ở trẻ em, rất ít gặp ở người lớn, xảy ra khi dạ dày tự xoay quanh trục của nó ít nhất 180 độ theo trục tạng hoặc trục mạc treo.
Nguyên nhân chủ yếu do bất thường giải phẫu của dạ dày, lách và cơ hoành, số ít trường hợp do sự đứt hoặc yếu của các dây chằng cố định dạ dày vào các cơ quan xung quanh.
Các bác sĩ chẩn đoán xoắn dạ dày dựa vào một số triệu chứng lâm sàng như nôn nhiều, đau tức và khối phồng vùng thượng vị, khó đặt sonde dạ dày, kết hợp với hình ảnh cắt lớp vi tính cũng như Xquang dạ dày cản quang, đặc biệt, kinh nghiệm của thầy thuốc đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh. Phẫu thuật cấp cứu nhằm tháo xoắn, cố định dạ dày vẫn là phương pháp điều trị tốt nhất đối với bệnh lý này.
Bác sĩ cảnh báo việc chậm trễ trong chẩn đoán và phẫu thuật có thể dẫn đến một số biến chứng như hoại tử, viêm phục mạc do thủng dạ dày… làm nặng thêm tình trạng bệnh và tăng nguy cơ tử vong.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, đây là loại ung thư phổ biến thứ 5 trên thế giới. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng, ung thư dạ dày là nguyên nhân phổ...