Nam thanh niên hôn mê, nguy kịch sau cuộc nhậu liên hoan tất niên
Nam thanh niên 25 tuổi rơi vào trạng thái hôn mê sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thời gian này, gần như ngày nào trung tâm cũng phải tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu.
Bệnh nhân là anh N.T.H. (25 tuổi, quê ở Tuyên Quang) rơi vào trạng thái hôn mê sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè. Khi nhập viện, chỉ số đường huyết của bệnh nhân H. giảm còn 0,7 mmol/l, trong khi với người bình thường chỉ số này là trên 4 mmol/l.
(Ảnh minh họa).
Bệnh nhân P.T.K. (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng hôn mê. Ông K. có thâm niên uống rượu hơn 40 năm. Thời điểm trước khi nhập viện, ông uống đến 1 lít rượu/ngày. Các bác sĩ đánh giá, tất cả các cơ quan nội tạng của bệnh nhân đều bị tổn thương. Điển hình, bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, gout (gút), kèm theo xuất huyết da, máu giảm, thực quản và dạ dày bị loét, hoại tử chỏm xương đùi, teo não, miễn dịch kém… Với trường hợp này, các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Để phòng tránh ngộ độc rượu, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol từ 0,1% trở lên, tuy nhiên bình thường rất khó phân biệt rượu nào an toàn. Do đó, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì; không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo dân gian.
Một người bình thường không nên uống quá một đơn vị rượu mỗi ngày (một đơn vị rượu chứa 10 g cồn), tương đương 30 ml rượu mạnh (40-43 độ) hoặc 100 ml rượu vang (13,5 độ); 330 ml bia hơi (5 độ); 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330 ml (5 độ).
Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Theo các bác sĩ, ngộ độc rượu có những dấu hiệu rõ rệt hơn. Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện.
Biểu hiện gồm: bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê yếu chân tay hoặc tê yếu một bên mặt, nói ngọng khi đã tỉnh táo, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
Các biểu hiện khác là da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh. Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, rối loạn cảm nhận về màu sắc, nôn nhiều,...
Nguồn: [Link nguồn]
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo đến người dân các nguyên tắc phòng chống ngộ độc rượu.