Nam thanh niên biến chứng quai bị được bác sĩ “nhặt” từng “tinh binh”

Sau lần mắc bệnh quai bị vào năm 14 tuổi, anh L.C.T. ở Hưng Yên thấy một bên tinh hoàn teo dần. Gần 5 năm chạy chữa, cách đây gần 1 tháng, vợ chồng anh mới được đón trái ngọt là một bé gái nặng 3,5 kg.

Nam thanh niên biến chứng quai bị được bác sĩ “nhặt” từng “tinh binh” - 1

Một ông bố trẻ hạnh phúc với hai "thiên thần" sau thời gian chạy chữa hiếm muộn

Chia sẻ niềm hạnh phúc tại buổi gặp gỡ của những cặp vợ chồng hiếm muộn do Bệnh viện Nam học và hiếm muộn tổ chức sáng 18-8, anh L.C.T. (32 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết vợ chồng anh vừa đón nhận "trái ngọt" là cô con gái kháu khỉnh nặng 3,5 kg sau gần 5 năm kết hôn và chạy chữa hiếm muộn.

Anh T. cho biết năm anh 14 tuổi đã mắc bệnh quai bị và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu. Sau đó là tình trạng tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Khi khỏi bệnh cũng là lúc anh T. cảm thấy một bên tinh hoàn teo dần. 

Lập gia đình vào đầu năm 2013 nhưng sau hơn 1 năm "thả", vợ anh vẫn không có bầu. Lúc này, vợ chồng T. đi khám mới biết anh T. bị biến chứng do bệnh quai bị khiến vợ chồng anh bị hiếm muộn.

Gần 5 năm chạy chữa bằng nhiều phương pháp, mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã "tìm kiếm" được "tinh binh" cho anh T. thành công bằng kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng trong cấu trúc tổn thương, sau đó trữ lạnh trước khi kết hợp với trứng tạo phôi cấy vào tử cung.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, ngoài trường hợp bệnh nhân T., các bác sĩ ở đây đã ứng dụng kỹ thuật TESE - phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng cho một số trường hợp vô tinh vì 2 tinh hoàn teo do biến chứng quai bị. "Với những nam giới bị teo cả 2 bên tình hoàn, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm cấu trúc sinh tinh để tìm tinh trùng. Những trường hợp như thế này chỉ cần tìm được 1-2 "tinh binh" đã là quý lắm rồi. Đã có những cặp vợ chồng hiếm muộn được điều trị thành công, có thai đôi và sinh con khoẻ mạnh nhờ phương pháp này"- bác sĩ Hưng nói.

Bác sĩ Hưng cho biết dù không phải tất cả những trường hợp mắc bệnh quai bị đều bị biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn nhưng tại các cơ sở điều trị hiếm muộn cũng gặp khá nhiều trường hợp bị teo 1 hoặc cả 2 bên tinh hoàn dẫn đến vô sinh do biến chứng của bệnh quai bị. Nguy cơ teo tinh hoàn có thể diễn ra từ 2-6 tháng sau khi mắc bệnh nhưng cũng có thể lâu hơn. Do đó, sau khi mắc bệnh này khoảng 2 tháng, nam giới nên đi khám nếu thấy bất thường.

Để phòng biến chứng sưng viêm tinh hoàn do mắc quai bị, các bác sĩ khuyến cáo cần dùng thuốc theo đơn kê, nghỉ ngơi tuyệt đối 100%, mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn, nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và tuyệt đối không vận động mạnh... để tinh hoàn không bị tác động thêm. Với người lớn chưa từng mắc quai bị, chưa tiêm phòng cũng nên tiêm vắc-xin để phòng bệnh.

Theo thống kê, tại Việt Nam, hiện tỉ lệ vô sinh nam chiếm 40%, vô sinh nữ chiếm khoảng 40%, khoảng 10% do cả vợ chồng, còn lại 10% là chưa rõ nguyên nhân. Nguyên nhân của vô sinh nam gồm: các bất thường về tinh trùng chiếm 70% như không tinh trùng, tinh trùng ít, yếu, dị dạng… rối loạn về cương, không xuất tinh chiếm 20%, chưa rõ nguyên nhân 10%. Đối với nữ, nguyên nhân của vô sinh gồm có tắc 2 vòi tử cung chiếm 35%, rối loạn phóng noãn chiếm khoảng 35%, lạc nội mạc tử cung 20% và không rõ nguyên nhân 10%.

Tinh trùng nam giới ngày càng giảm

Chia sẻ bên lề hội thảo, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng cho biết kết quả đánh giá chất lượng tinh tinh trùng của nam giới cho thấy tinh trùng nam giới ngày càng giảm. "Nghiên cứu tại thời điểm 10-20 năm trước đây, số lượng tinh trùng của nam giới vào khoảng 80-100 triệu tinh binh/1 ml tinh trùng nhưng nay qua thực tế điều trị và xét nghiệm cho thấy số lượng này giảm xuống còn khoảng 40-60 triệu tinh binh/1 ml tinh trùng.

Việc sụt giảm số lượng tinh trùng ở nam giới có thể do lối sống hiện đại, ô nhiễm môi trường, thói quen ăn uống, căng thẳng, hút thuốc lá, rượu bia... nhưng cũng có thể do các tiêu chí đánh giá chất lượng tinh binh hiện cũng khắt khe hơn so với trước đây"- bác sĩ Hưng nhận định.

Vì sao phải nghỉ ngơi khi viêm tinh hoàn sau quai bị?

Em Triệu Minh H, 12 tuổi, nhà ở xã Long Tiên, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được gia đình đưa vào bệnh viện vì bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Bệnh quai bị Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN