Nam thanh niên bị lũ cuốn trôi và vùi lấp ở Cao Bằng được cứu sống ngoạn mục như thế nào?
Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang dần hồi phục để chuyển về bệnh viện chuyên khoa chuẩn bị cho ca mổ ghép hộp sọ tiếp theo.
Ngày 22/10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin về tình hình điều trị cho nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ lũ quét, sạt lở đất ở Cao Bằng hồi tháng 9 vừa qua.
Theo đó, bệnh nhân N.V.N, 29 tuổi ở Nguyên Bình, Cao Bằng bị lũ quét cuốn trôi và vùi lấp trên đường về nhà. Anh bị thương khá nặng với tình trạng đa chấn thương ở vùng sọ não, gãy xương đùi trái và gãy tay trái.
Anh N được người dân đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Ngày 11/9 bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế tuyến trên mổ sọ não. Tuy nhiên, 3 ngày sau mổ, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục kèm ý thức lơ mơ, chọc dịch não tủy có biến loạn, điều trị không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh BVCC.
BS Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng viêm màng não mủ sau phẫu thuật sọ não khá nghiêm trọng.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm màng não mủ/đa chấn thương - chấn thương sọ não - gãy 1/3 dưới xương đùi trái, gãy 1/3 dưới xương quay cẳng tay trái. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã hội chẩn và cấp cứu.
"Rất may thể trạng của bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc điều trị nên sau một tuần cấp cứu, bệnh nhân đã cắt sốt, các chỉ số viêm trở về bình thường", BS Long cho biết.
Khi bệnh viêm màng não mủ ổn định, bệnh nhân được tiến phẫu thuật nối gãy 1/3 dưới xương quay cẳng tay trái và nối gãy 1/3 dưới cẳng xương đùi trái.
Theo BS Nguyễn Giang An, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, ổ gãy rất phức tạp với nhiều mảnh xương vỡ rời nên các bác sĩ đã quyết định tiến hành nẹp vít cả xương đùi và xương quay tay giúp cố định, nén ép ổ gãy cố định liền vào nhau, bóc tách phần mềm để tránh làm tổn thương mạch máu nuôi xương ở mức độ thấp nhất giúp xương nhanh liền nhất.
Ca mổ được tiến hành trong hai giờ đồng hồ. Sau mổ 7 ngày, bệnh nhân phục hồi rất tốt nên được chuyển đến Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng để tập phục hồi chức năng sớm cho tay trái và chân trái.
BS CKI Lê Nguyên Long, Phụ trách khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng cho biết: Tại đây, bệnh nhân được điều trị phục hồi chức năng vận động giãn cơ ở cẳng xương đùi và cẳng tay sau mổ. Với phương pháp tập luyện vận động thông qua xoa bóp trị liệu kết hợp châm cứu nhằm hạn chế tối đa việc teo cơ, cứng khớp, bệnh nhân nhanh chóng có cảm giác và dần vận động nhẹ nhàng ở tay trái và chân trái.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang dần hồi phục để chuyển về bệnh viện chuyên khoa chuẩn bị cho ca mổ ghép hộp sọ tiếp theo.
Ông Đ. ở Yên Bái tham gia dọn dẹp sau lũ và tiếp xúc nhiều với nước, bùn đất.
Nguồn: [Link nguồn]