Nam thanh niên đột quỵ khi đang chơi cầu lông
Bệnh nhân trẻ, nam giới 32 tuổi, khi đang chơi cầu lông cùng bạn, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người trái và thất ngôn.
Ngày 29/3, PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuần qua, trung tâm tiếp nhận 6 trường hợp dưới 45 tuổi bị đột quỵ nhập viện trong một đêm, nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.
Trường hợp bệnh nhân trẻ, nam giới 32 tuổi. Khi đang chơi cầu lông cùng bạn, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người trái và thất ngôn.
(Ảnh minh họa).
Nam thanh niên được bạn trực tiếp đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. 40 phút kể từ khi vào viện, ca bệnh được chẩn đoán: Nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa phải đoạn M1 và được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối.
Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, có thể nói chuyện và đi lại như bình thường.
Hay trường hợp bệnh nhân nữ 32 tuổi, ở Hưng Yên, được đưa đến khi liệt nửa người trái hoàn toàn, nói ngọng.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh giờ thứ nhất. Động mạch cảnh đưa máu giàu oxy đến các cơ quan và mô ở đầu cổ, bao gồm cả não.
Chỉ trong 35 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối, sau đó chị hết nói khó, còn yếu nhẹ nửa người phải, tiếp tục theo dõi.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm. Đây là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội".
Theo PGS Tôn, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ: bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ tuyệt đối không được bỏ qua
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn… Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".
Các bác sĩ khuyến cáo, khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.
Người đàn ông 37 tuổi đang chơi đá bóng thì thấy mệt nên ra sân nằm nghỉ, 30 phút sau được phát hiện đã không còn cử động, mất ý thức, đột quỵ não.
Nguồn: [Link nguồn]