Nam thanh niên 30 tuổi bị đột quỵ não vì uống quá chén trong dịp Tết
Lâu ngày mới gặp lại bạn bè nên nam thanh niên uống hơi quá chén trong dịp Tết.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân 30 tuổi, quê Bắc Ninh bị nôn rất nhiều, ngày hôm sau thì có biểu hiện nói ngọng, yếu tay.
Gia đình đưa vào viện thì nam thanh niên đã bị nhồi máu não cả 2 bên, một dạng đột quỵ não. Trước đó, bệnh nhân uống nhiều rượu, bị nôn rất nhiều.
Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện. (Ảnh minh họa).
Theo BS Nguyên, chính việc uống rượu nhiều quá, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc khiến bệnh nhân rất dễ bị tắc mạch khi trên nền một số nguy cơ khác như béo phì, cao tuổi, mạch máu có vấn đề… Như trường hợp trên là hơi thừa cân. Bệnh nhân bị nhồi máu não là do uống quá nhiều rượu, không phải tai biến mạch máu não thông thường.
Theo BS Nguyên, các trường hợp này thường uống rượu mà không ăn, bỏ bữa, dẫn đến hạ đường máu. Gần đây, nhiều trường hợp được chuyển vào viện trong tình trạng này, đường máu về gần như bằng 0. Bản thân rượu cũng gây hạ đường máu.
Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong. Trường hợp nào bị hôn mê sâu, nằm lâu thì có thể dẫn đến tổn thương cơ, tiêu cơ vân, suy thận…
Trường hợp nam bệnh nhân 36 tuổi ở Lào Cai đi làm ăn xa. Nhân dịp nghỉ Tết, anh về quê chơi. Lâu ngày mới gặp lại bạn bè nên anh uống hơi quá chén. Về đến nhà, anh nằm bẹp một chỗ, hôn mê, sau đó anh được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Tuy nhiên, do nằm một tư thế kéo dài khiến cơ bị chèn ép, bị tổn thương, tiêu cơ vân từ đó sinh ra chất gây tắc thận. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng hết nửa người, suy thận phải chạy thận.
Đơn vị Hồi sức, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân ở Thái Bình nhập viện trong trình trạng hôn mê do uống phải rượu có chứa methanol.
Trước đó, nam bệnh nhân cùng 9 người khác tham gia bữa tiệc khai xuân ở công ty. Tuy nhiên, trong buổi liên hoan, chỉ có 7 người (trong đó có anh M.) uống rượu. Nửa đêm, bệnh nhân kêu đau mỏi người, mệt mỏi.
Sáng hôm sau, anh có biểu hiện mệt nhiều, đau bụng, đau đầu, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau đó, anh được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu rất cao (134,7 mg/dL), nhiễm toan chuyển hóa nặng. Lúc này, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, trong khi những người uống rượu cùng ông M. chưa ai có biểu hiện tương tự.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân uống cho thấy đây là rượu rởm, hàm lượng methanol chiếm hơn 58%, chỉ 1% là rượu thông thường. Cùng uống rượu với bệnh nhân còn 6 người khác vì thế rất có thể có những trường hợp khác bị ngộ độc methanol mà chưa có biểu hiện bệnh.
Vì vậy, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đã vận động 6 người này từ Thái Bình lên Hà Nội để xét nghiệm. Kết quả trong số 4 người xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện thêm 2 người có nồng độ methanol trong máu cao dù chưa có biểu hiện bất thường. Hai trường hợp còn lại có thể uống ít rượu nên ít nên nồng độ methanol thấp.
Theo bác sĩ, rượu ethanol khi vào cơ thể chuyển hóa rất nhanh, trong khi đó methanol lại ngược lại tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm (sau 7-8 ngày vẫn có thể tồn tại trong máu). Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành axit formic, là chất độc hơn methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh...
Bác sĩ khuyến cáo rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng đến não gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu, ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... Nó cũng là một chất làm mất khả năng kiểm soát, thậm chí chỉ uống ít.
Vì thế, mọi người nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu. Sau khi uống thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu… không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc rượu thì thường rất nặng.
Vị giác và khứu giác, con người không thể phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Nguồn: [Link nguồn]