Nam sinh nghiện thuốc lá nặng vì bố và ông nội cho hút thuốc lào từ năm 6 tuổi
Nam sinh này có tiền sử hút thuốc từ năm 6 tuổi hút 3 lần thuốc lào bằng điếu cày và hút hết 1 bao thuốc lá.
Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về trường hợp là thanh thiếu niên ở độ tuổi 14-17 tuổi nghiện thuốc lá.
Gần đây nhất là trường hợp một nam sinh 17 tuổi ở Hưng Yên mong muốn được cai nghiện thuốc lá.
Theo nam sinh này, từ khi lên 6 tuổi anh đã được ông nội và bố cho hít thử thuốc lào và nghiện thuốc lúc nào không hay. Khi lớn hơn thanh niên này còn hút thêm cả thuốc lá. Hiện mỗi ngày nam sinh hút 3 lần thuốc lào (điếu cày) và hút hết 1 bao thuốc.
Nam sinh 17 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào từ năm lên 6 tuổi. (Ảnh minh họa)
Vì nghiện thuốc lá, thuốc lào khiến nam sinh gầy tong teo, chỉ nặng hơn 40 kg, nước da xanh xao, cơ thể yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi… Nam sinh này đã được các bác sĩ lập hồ sơ theo dõi tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá.
Theo bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trong số hơn 7.000 chất độc hại trong thành phần của khói thuốc lá có khoảng 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), nicotin,…
Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây nên tình trạng viêm phổi mạn tính, thậm chí chúng còn phá hủy và làm biến đổi tế bào, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch.
Nếu nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá.
Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản của người hút thuốc cao gấp 8- 10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2- 4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2- 3 lần so với người không hút thuốc lá.
Theo bác sĩ Quyên, trong số hơn hơn 3.600 bệnh nhân tham gia chương trình tư vấn cai thuốc lá chủ động từ tháng 4-2017 đến tháng 9-2019 có 750 trường hợp đã cai nghiện thành công. Tỉ lệ cai thuốc lá thành công ở Việt Nam cũng tương đương so với thế giới.
Cũng theo thống kê tại Trung tâm hô hấp cho thấy trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 15-30 bệnh nhân bị các bệnh lý về phổi và đường hô hấp, khoảng 2/3 bệnh nhân có tiền sử hút và nghiện thuốc lá, thuốc lào.
Việc cai nghiện thuốc lá không phải là điều dễ dàng bởi chất gây nghiện nicotin trong thuốc lá khiến người hút dễ nghiện.
Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ngày 14/11, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, do việc tiêu thụ và sử dụng thuốc lá quá dễ dàng làm giảm hiệu quả công tác cai nghiện.
Bà Trang đề xuất nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuốc lá; kiểm soát việc quảng cáo thuốc lá trên mạng, facebook, đưa ra quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật về Phòng chống tác hại của thuốc lá….
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Trong năm 2015, người Việt đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Theo ông Khuê, Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên phải hít khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các nhà hàng là 84,9%. |
Nếu như thuốc lá là nguyên nhân gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì thực phẩm chứa nhiều đường chế biến,...
Nguồn: [Link nguồn]