Nam sinh 17 tuổi quên tiếng mẹ đẻ sau ca mổ
Hà Lan - Một thiếu niên Hà Lan bất ngờ mất khả năng nói tiếng mẹ đẻ và chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh sau ca phẫu thuật đầu gối.
Ca bệnh được truyền thông thế giới thông tin đầu tháng 4. Theo đó, trước ca mổ vào năm 2022, thiếu niên này chỉ sử dụng tiếng Anh trong các giờ học ở trường. Sau phẫu thuật, cậu hoàn toàn không thể nói hoặc hiểu tiếng mẹ đẻ, thậm chí không nhận ra cha mẹ mình. Trong nhiều giờ sau đó, cậu hoàn toàn không nói được bất kỳ từ tiếng Hà Lan nào, khiến đội ngũ y tế phải mời chuyên gia tâm thần đến hội chẩn. Tuy nhiên, các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân rõ ràng.
Theo báo cáo ca bệnh, bệnh nhân không có tiền sử bệnh tâm thần hay bệnh lý gia đình nào liên quan có thể lý giải tình trạng trên. Khoảng 18 giờ sau khi tỉnh lại, cậu bắt đầu hiểu tiếng Hà Lan trở lại nhưng vẫn giao tiếp bằng tiếng Anh. Khả năng nói tiếng Hà Lan chỉ dần hồi phục vào ngày hôm sau, khi bạn bè đến thăm.
Ba ngày sau ca mổ, thiếu niên được xuất viện. Các bác sĩ bắt đầu rà soát tài liệu y khoa để tìm lời giải và phát hiện cậu mắc Hội chứng ngôn ngữ nước ngoài tạm thời (Foreign Language Syndrome - FLS).
FLS, hay còn gọi là Hội chứng giọng nước ngoài (Foreign Accent Syndrome - FAS), là tình trạng thần kinh hiếm gặp, trong đó người bệnh chuyển từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang một ngôn ngữ thứ hai trong một khoảng thời gian ngắn. Trường hợp khác của FAS khiến bệnh nhân có giọng nói nghe như người nước ngoài dù không thực sự nói ngôn ngữ khác.
FLS và FAS ảnh hưởng đến tốc độ, cao độ, ngữ điệu, khớp âm, âm lượng và trọng âm của giọng nói. Các nguyên nhân thường liên quan đến chấn thương đầu nghiêm trọng, đột quỵ, khối u não hoặc xuất huyết não. Chúng cũng có thể xuất hiện khi vùng Broca - trung tâm ngôn ngữ trong não - bị tổn thương.
Vùng Broca nằm ở thùy trán và có vai trò quan trọng trong việc diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác. Kể từ khi nhà thần kinh học người Pháp Pierre Marie mô tả vào năm 1907, chỉ khoảng 100 trường hợp FLS và FAS được ghi nhận trên thế giới.
Minh họa các bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Ảnh: Pexel
Các bác sĩ thường thực hiện đánh giá sức khỏe thể chất và tinh thần toàn diện để chẩn đoán FLS hoặc FAS. Thiếu niên người Hà Lan cũng đã trải qua quá trình này. Khác với nhiều trường hợp , cậu ý thức được việc mình chỉ có thể nói và hiểu tiếng Anh sau khi tỉnh dậy. Tuy nhiên, tình trạng này biến mất hoàn toàn sau vài tuần.
Báo cáo y tế ghi rõ: "Bệnh nhân nhớ rằng cậu đã không nhận ra cha mẹ và tin mình đang ở Mỹ. Khám thần kinh toàn diện không phát hiện bất thường. Không có chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm như điện não đồ (EEG), chụp ảnh thần kinh hay kiểm tra tâm lý thần kinh. Bệnh nhân được xuất viện một ngày sau đó".
Ba tuần sau xuất viện, trong cuộc hẹn tái khám tại phòng khám tâm thần ngoại trú, bệnh nhân cho biết đã sử dụng tiếng Hà Lan bình thường, không có bất kỳ khó khăn nào. Cậu cũng không gặp triệu chứng thần kinh khác như rối loạn giác quan. Tâm trạng và giấc ngủ ổn định, không biểu hiện lo âu.
Theo nhóm bác sĩ, FLS rất hiếm gặp ở trẻ em. Đây có thể là ca đầu tiên được ghi nhận ở thanh thiếu niên. Tổng cộng, họ chỉ tìm thấy tám trường hợp FLS tương tự được báo cáo.
Thiếu niên hiện đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy vậy, các bác sĩ cho rằng vẫn còn nhiều điểm chưa sáng tỏ và cần được nghiên cứu thêm, nhằm hiểu rõ vì sao tình trạng thần kinh này lại khởi phát trong quá trình phẫu thuật đầu gối dưới gây mê.
Một nghiên cứu công bố năm 2024 trên Tạp chí Phẫu thuật Hàm mặt cho thấy thuốc gây mê có thể làm gián đoạn hoạt động giao tiếp của não, từ đó dẫn đến FLS. Thuốc gây mê có thể làm ngừng hoạt động các trung tâm chính của não, khiến quá trình giao tiếp trong vỏ não bị gián đoạn và dẫn đến trạng thái bất tỉnh.
Một số chuyên gia cho rằng thuốc mê còn lưu lại trong cơ thể có thể gây ra tình trạng lú lẫn và mất phương hướng tạm thời ở bệnh nhân. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng khó nói hoặc khó hiểu sau khi tỉnh lại.
Các tác giả đã phân tích dữ liệu của hơn 600 người trong độ tuổi 35 - 64 và 2.600 người trong độ tuổi từ 79 trở lên. Tất cả những người tham gia đều không mắc chứng mất trí khi bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi trung bình 9 năm đối với nhóm tuổi trung niên và 5 năm đối với nhóm người cao tuổi.
Nguồn: [Link nguồn]
-11/04/2025 17:00 PM (GMT+7)