Trong suốt 1 năm qua, COVID-19 như một phép thử năng lực của ngành y tế Việt Nam nói chung và của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói riêng.
Trên mặt trận điều trị COVID-19, các bác sĩ đã ngày đêm chạy đua với sự diễn biến bất thường của dịch bệnh, có lúc bác sĩ Cấp và hàng nhìn nhân viên y tế khác tưởng chừng kiệt sức.
Với những cống hiến của mình, trong năm 2020, BS Nguyễn Trung Cấp đã được Thành phố Hà Nội khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Nhân dịp năm mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với BS Nguyễn Trung Cấp, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Chào anh, Tết Canh Tý 2020 là một cái Tết đáng nhớ đối với nhiều bác sĩ công tác tại BV Nhiệt đới Trung ương, khi ngày đêm các anh phải gồng mình chiến đấu với COVID-19. Vậy, sau một năm chống dịch, cảm xúc của anh lúc này như thế nào?
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tất cả các nhân viên y tế ở mọi vị trí đều đã rất xuất sắc trong nhiệm vụ của mình, đồng thời mọi người đều phải hy sinh rất nhiều, chúng tôi không thể đong đo đếm được.
Đến giờ, sau 1 năm chống dịch thì mọi người đã vững vàng hơn nhiều.
2020 có vẻ như là một năm đặc biệt với anh. Anh có thể chia sẻ với chúng tôi về thời điểm anh vừa bắt đầu chạm trán với đại dịch này? Lúc đó những khó khăn, áp lực lớn nhất mà anh và đồng nghiệp gặp phải là gì, thưa anh?
Đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý, khi tôi và cả gia đình về quê ăn Tết thì nhận được tin thông báo về những ca dương tính đầu tiên.
Bốn ngày sau đó, khi các bệnh nhân nhập viện điều trị, tôi là một trong những người tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên. Và từ đó, tôi biết mình đã trở thành F1 – người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính.
Giai đoạn đầu, do dịch xảy ra vào dịp Tết, các cơ sở cung ứng vật tư dịch vụ đang nghỉ nên vật tư thiếu thốn. Có hôm do phải sử dụng quá nhiều khẩu trang N95, kho dự trữ của chúng tôi gần cạn, liên hệ các nhà cung cấp thì nhân viên đang nghỉ Tết, nhiều người về quê xa chưa thể lên ngay. Trong tình thế cấp bách, tôi phải sang xin Viện Dịch tễ trung ương san sẻ, hỗ trợ khẩn cấp được 60 chiếc, đủ để cầm cự đến khi thủ kho của nhà cung cấp từ quê lên Hà Nội mở kho xuất hàng.
Còn về điều trị, những bệnh nhân đầu tiên về từ Vũ Hán (Trung Quốc) đa số là những công nhân trẻ nên sức khỏe tốt, không có diễn biến nặng. Sang đợt 2 của dịch, nhiều bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền nên diễn biến rất phức tạp. Trong số những ca nặng, có 2 người diễn biến rất nhanh, trưa bệnh nhân vẫn tỉnh táo, giao tiếp được, nhưng đến chiều tối đã rơi vào trạng thái nguy kịch. Do chưa có kinh nghiệm về bệnh này nên tình huống đó khiến mọi người còn khá lúng túng,
Lúc ấy, phác đồ điều trị cũng chưa thống nhất vì mọi thứ về COVID-19 còn rất mơ hồ, thiếu thông tin. Từ ca bệnh nặng thứ 3 trở đi, chúng tôi đã rút được kinh nghiệm, không còn bị động. Và chúng tôi đã có những thay đổi về chiến lược điều trị cho phù hợp với đặc điểm bệnh lý của COVID-19, cũng như thay đổi về chiến lược dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Đến ca bệnh nặng thứ 6 trở đi thì chúng tôi đã khá tự tin, linh động trong điều trị để phù hợp với tình trạng cá thể của từng bệnh nhân. Nhờ vậy, 18 bệnh nhân nặng tiếp theo, dù có diễn biến hết sức phức tạp nhưng chúng tôi đã ngăn ngừa thành công, chỉ phải thở máy xâm nhập 3 ca và không để bệnh nhân nào diễn biến trở thành nguy kịch đến mức phải chạy ECMO.
Có thể nói, cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam khống chế dịch bệnh COVID-19 khá thành công, đặc biệt trong công tác điều trị, thể hiện bằng các chỉ số: tỷ lệ điều trị khỏi cao; tỷ lệ ca bệnh nặng, có nhiều bệnh nền được điều trị khỏi cao; tỷ lệ tử vong và lây nhiễm chéo trong nhân viên y tế thấp.
Còn cuộc sống của nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu và Bệnh viện Nhiệt đới bị đảo lộn như thế nào trong suốt 1 năm qua, thưa anh?
Một năm vừa qua, cuộc sống của tất cả chúng tôi đều bị đảo lộn. Khi vào vòng quay của dịch bệnh COVID-19 thì mọi người đều cố gắng vượt qua. Thậm chí có người, gần 3 tháng phải xa gia đình. Cuộc sống gia đình của họ bị xáo trộn. Hơn nữa, thu nhập bị ảnh hưởng, chi phí cuộc sống sinh hoạt gia đình gia tăng vì nhiều nhân viên y tế phải ở lại bệnh viện, không có người chăm sóc gia đình, đưa đón con nên họ phải nhờ người giúp…
Trong guồng quay của dịch bệnh và chống dịch bệnh, bác sĩ, y tá và những người phục vụ (lao công, vệ sinh, nhà bếp…) trong BV phải chịu một áp lực lớn “kinh khủng”, đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng với chính những người đang mạo hiểm sức khỏe để bảo vệ họ.
Nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế sau kì nghỉ Tết bỗng trở thành người vô gia cư, do chủ trọ không cho thuê nhà nữa vì sự hoảng loạn hoặc áp lực của láng giềng. Các y, bác sĩ đang phải vất vả chống dịch mà phải đi tìm chỗ ở mới quả thực là điều rất khó khăn.
Thậm chí, giai đoạn đầu có không ít đối tượng còn có hành động không tuân thủ quy định cách ly,đòi hỏi thái quá hoặc gây phiền nhiễu với y, bác sĩ để quay clip. Họ chỉ chờ một phản ứng không phù hợp của chúng tôi là sẽ có clip nhiều view, nhiều like. Tôi thấy ngao ngán luôn, đặc biệt là trong tình hình chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần bình thường để chống dịch thì lại có nhiều người chống phá.
Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn kiên cường chống dịch, không một ai có dấu hiệu nản chí.
Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về những công việc hiện tại mà anh và đồng nghiệp của mình đang phải đảm nhiệm?
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp tục tiếp nhận và điều trị bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm và các bệnh lý thông thường khác. Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường, giờ đây chúng tôi là tuyến đầu trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Trong suốt 1 năm chống dịch, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với anh khiến anh phải suy nghĩ đến mất ăn, mất ngủ?
Kỷ niệm sâu nhắc nhất đối với tôi đó là thời điểm 2 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh dù đã được cung cấp các trang bị phòng hộ đầy đủ. Lúc đó, mọi người vô cùng hoang mang bởi họ gần kề với bệnh nhân nhiều nhất nên nguy cơ lây bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Lúc đó, tôi nghĩ để động viên tinh thần anh em được thì phải tìm ra giải pháp phòng hộ thật chắc chắn. Chỉ khi đó thì mọi người mới có niềm tin trở lại, còn không mọi lời động viên đều vô nghĩa.
Chúng tôi tập hợp tất cả mọi người lại, cùng phân tích mọi khía cạnh, cùng tìm giải pháp không để xảy ra lây nhiễm ở nhân viên y tế nữa. Khi mọi người cùng tìm hiểu, và nhận thức chắc chắn về các giải pháp cải tiến mới thì sự tự tin đã trở lại trong mỗi người.
Kỷ niệm thứ hai, đó là một kỷ niệm buồn. Khi tôi đến tăng cường ở Bệnh viện Trung ương Huế (lúc đó miền Trung đang là đỉnh dịch) có quá nhiều bệnh nhân nặng đang cận kề với cái chết. Áp lực lớn nhất đối với chúng tôi là làm thế nào để kìm đà diễn biến xấu của các bệnh nhân để cứu sống họ.
Thông thường các ca diễn biến nặng giống như chiếc xe lao xuống dốc thì sớm hay muộn có thể lao xuống đáy vực. Có bệnh nhân còn cơ hội để kìm đà lao xuống này và đảo ngược phục hồi được, nhưng có bệnh nhân không còn cơ hội ấy nữa. Lúc đó, chỉ còn đến ngày đến giờ họ ra đi. Đó là điều thật khủng khiếp. Chúng tôi biết họ tử vong nhưng các bác sĩ không có cách nào cả.
Tết năm nay, dịch COVID-19 tiếp tục quay lại Việt Nam với tốc độ lây lan nhanh. Tâm trạng của anh lúc này như thế nào, thưa anh?
Tôi rất lo lắng bởi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp. Làm sao khống chế được dịch bệnh, đảm bảo cho nhân dân một cái Tết an lành là một nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, tất cả vì người bệnh.
Vậy, các bác sĩ có phải thay đổi chiến lược điều trị với những bệnh nhân nhiễm biến thể SARS-CoV-2 mới đợt này không, thưa anh?
Do chưa có khẳng định chắc chắn về sự khác biệt, nên việc điều trị bệnh nhân nhiễm chủng mới cũng vẫn tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, do những bệnh nhân nhiễm chủng này có vẻ diễn biến lâm sàng nhanh hơn, nên việc theo dõi diễn biến bệnh nhân cần phải theo sát hơn.
Trong guồng quay tất bật của cuộc chiến chống COVID-19, liệu có khoảnh khắc nào khiến anh có được những nụ cười từ chính bệnh nhân do anh điều trị?
Có một bệnh nhân COVID-19 mà chúng tôi điều trị suốt ngày hỏi bác sĩ là khi nào anh ta được chụp X-quang. Sở dĩ, bệnh nhân có sở thích kì lạ như vậy là bởi suốt quá trình điều trị bị cách ly trong phòng kín, người này có khao khát được ra bên ngoài. Vì vậy, mỗi lần đi chụp X-quang, anh ta lại được nhìn thấy quang cảnh bên ngoài và cả bầu trời. Dù là một khoảnh khắc ngắn nhưng đã là niềm vui lớn.
Nhân dịp năm mới, anh có nhắn gửi gì người dân khi dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp?
Nhân dịp năm mới tôi chỉ muốn nhắn gửi đến người dân rằng: Hãy tuân thủ tốt những hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế, phói hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống dịch để chúng ta có thể cùng bước sang năm mới 2021 an lành và hạnh phúc.
Đối với cộng đồng, tôi khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách khi ra nơi công cộng, không tụ tập đông người và khai báo y tế trung thực khi được yêu cầu.
Tại cơ sở y tế, điều quan trọng là phải phát hiện sớm ca bệnh. Đặc biệt là ngày Tết, dịp đầu xuân nhiều lễ hội người dân di chuyển nhiều. Nếu không phát hiện sớm thì từ một ca F0 sẽ lan ra F1, F2 rộng khắp nhiều tỉnh thành, công tác truy vết, khoanh vùng cách ly sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Rất cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện trong năm mới. Mong bác sĩ và các đồng nghiệp của mình sẽ luôn vững vàng, chiến thắng với dịch COVID-19 để mọi người cùng được đón một cái Tết trọn vẹn.