Mỹ: Hóa kiếp gan heo để cấy ghép cho người
Tại một phòng thí nghiệm ở ngoại ô TP Minneapolis ở bang Minnesota - Mỹ, một công trình đột phá đang hứa hẹn cứu hàng loạt nhân mạng nhờ tạo ra nguồn tạng cấy ghép dồi dào chỉ từ gan heo.
Những vật thể được AP mô tả là "hình dạng ma quái trôi nổi trong một cái lọ lớn màu nâu đỏ" chính là những lá gan heo đang trong quá trình chuyển đổi để có thể hoạt động giống gan người. Trong các bồn chuyển đổi nhỏ, chúng có màu trắng và gần như trong suốt.
Gan heo đã được lọc bỏ các tế bào heo, trở nên một khối trắng đục - Ảnh: AP
Theo nhóm nghiên cứu, đó là bước đầu tiên trong thí nghiệm chuyển đổi gan heo thành gan người mà phòng thí nghiệm Miromatrix đang thực hiện với sự đồng hành của nhiều viện, trường tại Mỹ. Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ loại bỏ các tế bào heo trong lá gan, khiến nó dần nhạt màu đi và trở thành một khối trắng đục.
Những gì còn lại là một chiếc khung với cấu trúc hình tổ ong với các mạch máu trống rỗng.
Gan heo trong các bồn lọc tế bào nhỏ - Ảnh: AP
Sau đó, các tế bào gan người sẽ được đưa vào chiếc khung định hình này - được lấy từ các cơ quan hiến tặng không đủ tiêu chuẩn để cấy ghép. Những tế bào sống này sẽ di chuyển vào các ngóc ngách của chiếc khung mới để tạo thành một lá gan mới, khởi động lại các chức năng bình thường của cơ quan.
Nếu được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ đồng ý, thí nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ được triển khai trong thời gian tới với một lá gan đã biến đổi được dùng như một thiết bị ngoài cơ thể cho người có lá gan đột ngột bị hỏng, khá giống cách mà các cỗ máy như ECMO hoạt động để tạm thay cho tim, phổi.
Các kỹ thuật viên đưa tế bào người vào lá gan để hoàn thành công đoạn "hóa kiếp"- Ảnh: AP
Đó sẽ là khởi đầu cho công nghệ tạo ra những nội tạng nhân tạo bằng công nghệ sinh học - không chỉ gan mà có thể là thận hay các cơ quan khác - để cấy ghép cho người, giải quyết tình trạng luôn luôn thiếu nội tạng cấy ghép. Hiện có tới 105.000 người trong danh sách chờ ghép tạng ở Mỹ, nhiều người trong số đó sẽ chết trước khi chờ được tạng hiến.
Tiến sĩ Sander Florman, Giám đốc về ghép tạng tại Bệnh viện Mount Sinal ở New York, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó. Đây có lẽ là một tương lai gần hơn là cấy ghép dị chủng".
Cấy ghép dị chủng là cấy ghép các cơ quan từ động vật vào con người, thường cũng được "lai" với tế bào người và nuôi trong cơ thể con vật thí nghiệm. Một số nhóm nghiên cứu trên thế giới đã theo hướng đi này, điển hình là 3 ca cấy ghép tim heo cho người chết não do nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Y khoa thuộc Đại học Maryland (Mỹ). Tuy nhiên người đầu tiên đã qua đời vào tháng 3-2022, nghi do một loại mầm bệnh của heo trong quả tim cấy ghép.
Nguồn: [Link nguồn]
Một người đàn ông Mỹ 57 tuổi, mắc bệnh tim nguy hiểm đến tính mạng, được cấy ghép tim heo từ một con heo chỉnh sửa gien.