Muốn có giấy xác nhận không mắc COVID-19, người dân cần làm gì?
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-COV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài, Bộ Y tế đề nghị Bộ Lao động Thương binh xã hội và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung cụ thể sau.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tổ chức đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài lập danh sách cụ thể những người thuộc 2 nhóm trên gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID -19 hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ở các tỉnh, thành phố để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: PLO)
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Nếu kết quả dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.
Đến nay có 75 đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định COVID. Trong đó miền Bắc là 37 đơn vị, miền Trung: 7, Tây Nguyên: 2, miền Nam là 29 đơn vị. Trong số này ngoài các viện, bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh còn có Chi cục thú y vùng II, II, VI, VII…; có đơn vị của công an, quân đội như Viện y học Dự phòng Quân đội, Bệnh viện Quân y 175,… các cơ sở tư nhân,...
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch cơ bản đã được kiểm soát. Đến nay, các địa phương, kể cả Đà Nẵng đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp bộ, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép. Cụ thể, tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K” - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.
Các địa phương cần phải tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch tại cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Y tế yêu cầu đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn...