Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã

Nhận được phản ánh của người dân về sự xuất hiện của một 'thánh cô' tự cho mình là chữa được bách bệnh, chúng tôi đã đến tận nơi để mục sở thị việc làm mê tín dị đoan, phản khoa học này.

"Thánh cô" tên thật là Nguyễn Việt Trình (SN 1991, trú thôn Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Điều đáng nói, Nguyễn Việt Trình lại là con của ông Nguyễn Văn Trì (SN 1964), một cán bộ đảng viên, từng giữ chức trưởng thôn, nay là Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Toàn (xã Hương Toàn). Chúng tôi đã mục sở thị việc làm sai trái của "thánh cô" Nguyễn Việt Trình đến 2 lần (27.3 và 23.4) để hoàn thành bài viết này.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 1

"Thánh cô" lừa bịp Nguyễn Việt Trình (bên phải) soi bệnh cho con bệnh.

"Thánh cô" lừa

6h sáng 23.4, tôi có mặt tại đầu ngõ nhà "thánh cô" Trình. Nhưng trước tôi đã có hơn 100 người chầu chực. Con số này được kiểm chứng khi tôi nghe ông Trì nói sáng nay có 123 người tới khám. Một người đàn ông (sau đó tôi biết tên là Long) chạy ra hỏi với vẻ cảnh giác: "Đến đây có việc gì?". Tôi đáp: “Dạ, tới chữa bệnh”. Tôi định bước vào nhà "thánh cô" thì Long cản, bảo vào quán bún của anh ta.

Bên trong quán, có một cậu thanh niên trạc ngoài 20 tuổi (người này là "Cu em", em trai Nguyễn Việt Trình). "Cu em" hỏi ngay: “Có số chưa”?. “Dạ chưa anh ạ” - tôi đáp. “Rứa thì vô ghi số, 6 ngày nữa tới. Từ đây đến hết 6 ngày tới họ đăng ký hết rồi” - "Cu em" nói. Tôi năn nỉ: “Anh giúp cho, tôi chạy xe máy từ Quảng Trị vô đây”. Nhìn biển số xe 74, "Cu em" bảo: “Đợi đó ghi số”.

Đợi "thánh cô" ở quán bún một lúc thì "Cu em" gọi những người đi xe máy vào nhà. Tôi ghi số xong xuôi, "thánh cô" cũng vừa xuất hiện. “Hên, hôm ni "cô" làm sớm” - một người đàn ông gương mặt khắc khổ mừng rỡ. "Thánh cô" thắp hương, lẩm bẩm trong miệng vài câu rồi đến bàn làm việc. Trong khi đó, nhiều người vẫn đang thắp hương, cầu khấn, lạy lục trước bàn thờ nhà "thánh cô". Nhiều người già (nom đã ngoài 80) đi không được phải lết, hoặc nhờ con cháu bế bồng, nhưng cũng không ít người là nam thanh nữ tú, sinh viên…

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 2

Có rất đông người tập trung, chầu chực, quỳ lạy tại nhà Trình để được soi bệnh.

Một phụ nữ trạc chừng 55 tuổi được "thánh cô" khám trước. Thánh hỏi: “Nào, hôm nay con đến đây xin ta điều gì nào?”. Người phụ nữ kia cúm rúm: “Dạ con hay đau bụng. Cổ họng hay đau, không ăn uống gì được. Xin "cô" làm phước cứu con”. “Được rồi, yên tâm, để đó ta lo cho” - "thánh cô" Trình trấn an. 

"Thánh cô" bắt đầu thăm khám, sờ bụng, ấn ấn vài cái, sau đó nói "con bị thiếu canxi". "Thánh cô" bảo người phụ nữ này há miệng ra và lung lay răng rồi phán chắc như đinh đóng cột: “Đó, con thấy chưa, răng lung lay hết rồi”. Thật bất ngờ, người phụ nữ này trả lời: “Dạ thưa "thánh cô" đó là răng giả. Răng con rụng từ lâu rồi”. Người bệnh ngồi quanh cười thầm. Ngay lập tức "thánh cô" chữa cháy, hỏi đánh lạc hướng: “Con còn đau chỗ nào nữa không để ta giúp cho?”.

Còn nhiều, rất nhiều người đến chen lấn, xô đẩy, xin xỏ để được “thánh cô” soi bệnh. Và, nhiều lần "thánh cô" bị hớ khi phán sai.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 3

"Thánh cô" kê thang thuốc bằng cách vẽ vời như giun đất lên giấy.

Đợi mãi, cuối cùng cũng đến lượt tôi được “thánh soi”. Cũng bằng giọng điệu như trước, "thánh cô" hỏi tôi tên gì, cần giúp gì? Một cái tên giả, bệnh giả được tôi bày ra: “Con tên Nguyễn Văn Tân. Ban ngày thì con bình thường, chứ ban đêm con bị đau bụng quằn quại, chân tay đau nhức, hay gặp ác mộng. Xin "cô" cứu con”. “Được rồi, bệnh con nhẹ, ta sẽ cho con 6 thang thuốc và một lá bùa, uống xong con sẽ hết bệnh. Bệnh đau bụng của con người ta gọi là bệnh đau cuống bao tử”.

"Thánh cô" lấy ngòi bút lông màu đỏ, vẽ vời "rồng mây, giun bò" trên tờ giấy vàng mã trắng mỏng, khuôn bằng tờ giấy A4. Vừa vẽ, "thánh cô" vừa lẩm bẩm như hiểu chữ mình viết. Mà cũng đúng, chỉ... thánh mới hiểu!

Không phải tôi nói suông, vì trước tôi có một người đàn ông chạc tuổi ngoài 40, quê Quảng Trị, anh này trình bày với "thánh cô" là không hiểu sao cứ thấy ghét vợ, chửi bới vợ… 10 ngày trước "thánh cô" đã cho anh này một lá bùa với những chữ vẽ vời như giun đất, nhưng hôm nay (23.4) anh này đến gặp lại "thánh cô" để xin thánh giúp “mạnh tay” hơn. 

Mở tờ bùa cũ ra, "thánh cô" đọc trên tờ bùa rồi bảo: “Con cho ta xin cái tên”. Anh này nói: “Con tên Ng.V.T. Bữa trước "cô" có ghi vào tờ bùa rồi mà”. Không chỉ anh T, ai ai "thánh cô" cũng ghi tên vào tờ bùa của mình, nhưng khi đọc lại thì "thánh cô"... bó tay.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 4

Nước lã cũng được coi là "nước thánh" chữa bách bệnh.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 5

"Cu em" đưa thuốc và chỉ cách uống cho con bệnh.

Trở lại chuyện khám bệnh của tôi. Sau khi "thánh cô" khám xong, "Cu em" dẫn tôi lui sau bàn thờ chỉ vào chiếc đĩa trắng to nói: “Đặt lễ vào đây, rồi lấy hương thắp cho ngài”. Trên chiếc đĩa, đã có 10 tờ 50 nghìn, 2 tờ 100 nghìn đồng. Tôi rút ra tờ 50 nghìn đặt lễ.

Tiếp đến, "Cu em" đem 6 thang thuốc cùng lá bùa cho tôi rồi nói: “Đây có 6 thang. Tối ăn cơm xong, đem một thang thuốc ra, bỏ vào bát, đốt thành tro, rồi khuấy với nước uống. Trong này có ghi từ 1 tới 6, uống lần lượt như thế, còn lá bùa thì đem bỏ vào ví tiền...”. Nói rồi, "Cu em" lấy trên bàn thờ 6 chai nước, gói vào bì đưa tôi và lấy giá 30 nghìn đồng/6 chai.

Lân la hỏi chuyện những con người đang héo mòn vì bệnh tật, tôi được họ cho biết, nghe người ta đồn rồi tìm đến chữa bệnh, nghe nói "thánh cô" chữa được bách bệnh, từ ung thư đến gan thận, ma quỷ bắt bớ… Có nhiều đoàn người thuê nguyên xe khách đi từ Quảng Trị, Quảng Bình…, có người còn lặn lội từ Hà Nội vào nhờ "thánh cô" lừa chữa bệnh. Các nhà xe cũng tận dụng cơ hội này, đồn thổi, móc nối với gia đình "thánh cô" Trình, gom khách chở vào nhờ "thánh cô" Trình soi bệnh. Tôi trực tiếp thấy trên bàn làm việc của "thánh cô" Trình có card visit của nhiều chủ xe để tiện cho con bệnh đi, về.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 6

Những lời đồn từ những câu chuyện phiếm nghe lại, kể lại.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 7

Lôi kéo rất đông những người mê tín đến chữa bệnh.

Chống đối chính quyền

Bà Đặng Thị Hường - Phó Chủ tịch xã Hương Toàn - xác nhận sự việc trên. Theo bà Hường, Nguyễn Việt Trình trước đây là sinh viên một trường cao đẳng ở Huế, nhưng bỏ học giữa chừng. Khoảng giữa năm 2013, đối tượng Nguyễn Việt Trình đã có manh nha hoạt động bằng cách bói toán, đến đầu năm 2014 thì nghe đâu có chữa bệnh, bà con kéo đến rất đông.

Bà Hường khẳng định dân nhân trong xã Hương Toàn và vùng lân cận không tin và hết sức phẫn nộ về chuyện mê tín dị đoan này. “Chính quyền xã đã vận động gia đình ông Trì chấm dứt hoạt động này và đã cho gia đình ông Trì ký cam kết không hoạt động nữa cách đây 2 tuần, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Gia đình ông Trì, đối tượng Trình còn có thái độ chống đối, không thừa nhận hành vi sai trái của mình” - bà Hường cho hay. 

Bà Hường khẳng định: “Việc làm của gia đình ông Trì, đối tượng Nguyễn Việt Trình là mê tín dị đoan, phản khoa học, lừa bịp những người thiếu hiểu biết. Chắc chắn họ đang "ăn" tiền của người mê tín dị đoan và chắc chắn là có đường dây tuyên truyền, cổ xúy cho việc này”.

Thực tế, theo quan sát của chúng tôi, vào ngày 27.3, hoạt động mê tín dị đoan của đối tượng Trình công khai, lỗ liễu. Sau khi ký cam kết với xã và thực tế vào sáng 23.4, gia đình ông Trì vẫn hoạt động khám bệnh theo kiểu mê tín, nhưng sự ồn ào, náo nhiệt giảm đi. Xe vào trước cổng, vợ chồng Long dẫn xe đậu đỗ vào nhà. Các chủ xe khách (có khoảng 4 chủ xe khách nhận nhiệm vụ chở khách, tuyên truyền cho các con bệnh và đưa đón con bệnh đến nhà "thánh cô" Trình) bảo các con bệnh vào nhà Long chờ đến lượt. Nhà Long được mùa bán bún, giải khát và trở thành nơi chứa con bệnh chờ vào “thánh soi”.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 8

Chầu chực, quỳ lạy "thánh cô" chữa bệnh.

Mục sở thị 'thánh cô' chữa bách bệnh bằng... nước lã - 9

6 thang thuốc "thánh cô" dành cho tác giả để chữa đau bụng, đau tay chân.

Chính quyền vô trách nhiệm?

Một điều đáng nói nữa là cách chính quyền xã Hương Toàn phối hợp, xử lý vụ việc. Sự việc diễn ra gần 4 tháng trời, vậy nhưng, sáng 23.4, sau khi trình bày sự việc con trai ông Nguyễn Văn Trì hoạt động chữa bệnh mê tín dị đoan với ông Nguyễn Phi Quý, Trưởng Công an xã Hương Toàn xong, chúng tôi hỏi: “Ông có biết người đang khám chữa bệnh trái phép đó tên gì không?”, thì ông Quý lập cập nói: "Không biết, chỉ biết là con ông Trì. Công an chỉ giữ nhiệm vụ bảo vệ đoàn cán bộ xã đi làm việc với nhà ông Trì chứ không có trách nhiệm xử lý".

Còn ông Nguyễn Văn Tho, Chủ tịch xã Hương Toàn thì tiếp chúng tôi bằng câu nói thờ ơ rằng: “Tôi chỉ dành cho anh 5 phút vì tôi bận đi đám cưới”. Nhưng sau đó, thấy tôi rút điện thoại ra, chưa biết tôi làm gì, ông Tho phản ứng ngay: “Anh ghi âm thì thôi, tôi không làm việc với anh”, sau đó ông Tho đi thẳng.

Thiết nghĩ, công an, chính quyền xã có nhiệm vụ xử lý những vụ việc trái pháp luật. Một sự việc trái pháp luật sờ sờ trước mặt, nhưng công an xã "không hề" hay biết, chủ tịch xã lảng tránh, có sự bao biện, vô trách nhiệm nào chăng?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN