Mùa thu - vì sao có cảm giác "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"?

Thời điểm này bắt đầu vào mùa thu, nhiều người không hiểu vì sao hay mệt mỏi, cáu giận, buồn bã, mất hết hứng thú với cuộc sống…

Chứng bệnh hay mắc đầu mùa thu

Tiết thay đổi cuối hè sang thu, trong khi người dân vùng cao cặm cụi đi nương, làm rẫy trong giá lạnh của núi rừng khoáng đạt mênh mông vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, thì một số bạn trẻ làm việc văn phòng với máy tính, điện thoại cảm ứng đã ca cẩm thấy mệt mỏi, chẳng muốn làm gì, thậm chí “không muốn sống nữa”.

Sau những ngày mưa bão dầm dề, rồi "nắng quái" tháng 8, bước vào thu, rất nhiều người cảm thấy mệt mỏi, bức bối. Chị Lê Thị Cúc (Văn Cao, Hà Nội) cũng cảm thấy luôn buồn, chán nản hết mọi sự. Chị bán hàng, nhưng dù kiềm chế nhưng vẫn bẳn hẳn, gắt gỏng với khách, hay giận dữ khiến chồng con cũng ngạc nhiên, còn khách hàng người thì bỏ đi, người thì ngoái lại bảo “bán hàng kiểu ấy ai mua”.

Mùa thu - vì sao có cảm giác "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"? - 1

Ảnh minh họa.

Chị Cúc bảo, xong chuyện thì thấy mình vô lý, nhưng không hiểu sao cứ buồn bã, chán chường và khó chịu với mọi người, chả muốn nói chuyện, đi đâu hay làm gì cả.

Anh Thành (phố Nguyễn Quý Đức, Hà Nội) buôn bán online phát đạt, nhưng từ đầu thu tự dưng ít khách, nên anh nghe nhạc vàng nhiều hơn, rồi ngại ra ngoài giao lưu với mọi người, thích nằm khểnh nghe nhạc, “canh” máy tính, điện thoại. Rời máy tính, điện thoại là anh cáu bẳn với tất cả mọi người. Vợ anh phải kêu lên sao dạo này anh già hay sao mà khó tính thế… Anh chẳng biết vì sao lại thế, nhưng luôn thấy buồn bực, khó chịu và chẳng muốn làm gì nữa.

Rồi công việc buộc anh phải đi xa làm thủ tục nhận hàng mấy ngày, khi trở về tự anh cũng ấy ngạc nhiên là mình xởi lởi, vui vẻ lại với tất cả mọi người như bản tính anh vốn có.

Mùa thu - vì sao có cảm giác "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"? - 2

Ảnh minh họa.

Mùa ốm vặt nhiều hơn

Theo các bác sĩ, các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu nhẹ của chứng trầm cảm theo mùa (gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa, SAD), thường xảy ra khi thời tiết cuối thu – sang đông. Chứng này tuổi nào cũng dễ mắc, nhất là tuổi 18 – 30 hay làm việc trong các toà nhà văn phòng kín mít toàn kính, ít cửa sổ, nhiều không khí tồn đọng… với mức độ từ nhẹ đến nặng, và nhận thấy rõ khi cuối hè chuyển sang mùa thu.

Nguyên nhân theo các bác sĩ, sang thu tiết trời se lạnh, khiến cơ thể tiết ra hormone Melatoni ức chế tâm trạng, gây căng thẳng, mệt mỏi, rã rời chân tay, buồn ngủ, buồn nôn, suy nhược...

Các lương y cũng cho rằng, đầu thu khí dương đã yếu, khí âm mạnh hơn, dễ bị gió máy, hơi lạnh làm đau ốm. Lại vừa qua tiết Trung thu, những người hảo ngọt, khoái ăn bánh Trung thu giờ chất bột đường nhiều, khiến cơ thể ì trệ, chậm chạp.

Bình thường nếu chăm tập thể dục, vận động, chịu khó ăn các thực phẩm bổ sung vitamin… sức đề kháng sẽ được tăng cường, cộng với hít thở không khí trong lành… thời tiết sẽ tác động cảm xúc ít hơn. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp chống lại các virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho cơ thể.

Nhưng thời tiết thay đổi, lại lười vận động, lười ăn uống bổ sung chất đề kháng, lại ngại ra ngoài, ngại giao tiếp mà cứ đóng cửa ở trong nhà nghỉ ngơi, ngủ… thì cơ thể càng bị trì trệ, giảm sức đề kháng… và càng dễ bị ốm vặt nhiều hơn cả mùa hè.

Nếu không điều trị chứng này có thể kéo dài hết cả mùa thu sang đông và cả những ngày mùa xuân mưa phùn.

Mùa thu - vì sao có cảm giác "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"? - 3

Ảnh minh họa.

Các triệu chứng phát hiện

Ở mức độ nhẹ có những triệu chứng bắt đầu:

- Buồn bã, mệt mỏi, mất hứng thú với các hoạt động mà bình thường vẫn yêu thích, khó tập trung.

- Ngủ nhiều hơn bình thường (trung bình ngủ 7,5 giờ mùa hè, 8,5 giờ mùa xuân, 10 giờ cuối thu - mùa đông).

- Dễ cáu kỉnh, giận dữ, dễ nổi nóng, thu mình với đời sống xã hội, tập thể.

- Ăn thấy ngon, thích ăn chất bột (như mì, bánh mì - tới 65% người bị chứng trầm cảm theo mùa cảm thấy đói)…

Và nhiều triệu chứng khác, tuy không đầy đủ và rầm rộ ngay, nhưng nếu xuất hiện ít nhất trong 2 tuần thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm cuối hè sang thu.

Mùa thu - vì sao có cảm giác "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"? - 4

Ảnh minh họa.

Chỉ người mắc mới điều trị được cho mình

Theo bác sĩ Lê Quân (Phòng khám Trần Khát Chân, Hà Nội), chứng trầm cảm theo mùa có một số thủ thuật giúp sớm thoát khỏi những u buồn, mệt mỏi, nhanh lấy lại nội lực ổn định. Nhưng quan trọng cần sự cố gắng của người mắc mới điều trị được cho mình, bằng cách tự thay đổi thói quen hàng ngày. Cụ thể:

- Khi mệt mỏi, chán chường… không nên "cố thủ" trong nhà, ưu ái trong bóng tối vì càng dễ rơi vào cô đơn, buồn chán. Hãy năng ra ngoài tập thể dục, vận động, nhất là khi có nắng, hoặc gió nhẹ. Hoặc thời điểm trời sáng hẳn, hoặc buổi trưa... để cơ thể quen dần và tăng sức đề kháng với các chứng bệnh giao mùa.

- Nếu quá mệt mỏi, cảm giác ốm, ngại ra ngoài thì không nên nằm bệt, hãy đến bên cửa sổ để tiếp nhận ánh sáng.

- Nếu buộc phải ở nơi kín đáo (như phòng kính cao ốc, phòng cách âm…), thì cần bật đèn sáng để mắt và não tiếp nhận ánh sáng.

- Mở các bản nhạc vui vẻ để lấy lại tinh thần phấn chấn.

Ở đô thị mọi người cần năng dạo trong các công viên có hồ điều hòa.

Ở miền núi may mắn có khí trời trong lành, không gian khoáng đạt rộng lớn, các bạn trẻ đừng ngại rét mà đóng cửa văn phòng im ỉm, lười ra ngoài vận động, giao tiếp… vì sẽ làm cơ thể càng bị trì trệ, giảm sức đề kháng… và càng dễ bị ốm vặt nhiều hơn cả mùa hè.

Ở thể nhẹ thì những bản nhạc vui vẻ, tiếp nhận ánh sáng là cách thoát khỏi u buồn, mệt mỏi, chậm chạp, không muốn làm gì… nhanh nhất. Nhưng ở mức độ nặng hơn, gây ốm đau ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống hàng ngày cần được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị sớm, nhất là khi xuất hiện ý nghĩ buồn chán, tiêu cực.

Chứng trầm cảm theo mùa những ngày có nắng sẽ tự khỏi, cơ thể trở lại vui tươi, thích thú các hoạt động như bản tính sẵn có.

Kinh nghiệm của một số người tự thoát khỏi chứng trầm cảm theo mùa.

- Tránh các bản nhạc buồn vì sẽ càng kéo tâm trạng nặng nề hơn.

- Luôn lắng nghe âm thanh tự nhiên (như tiếng chim hót) – liệu pháp tốt nhất giúp giúp tâm hồn thanh thản.

- Tăng cường các thực phẩm chứa axit béo omega 3, rau xanh, hoa quả… rất tốt để chống trầm cảm. Bổ sung vitamin D3 (cholecalciferol) để cải thiện sức khỏe tâm lý, thể lực (có nhiều trong cá mòi, cá hồi, cá ngừ, dầu cá).

Theo Đông y, trong điều kiện khí hậu khô, se se lạnh của thu thì bí đỏ, thịt gà, chuối, đậu phộng, hạt sen, gạo lứt… giúp sản sinh chất Serotonin – hoóc môn chống trầm cảm hiệu quả, chống suy giảm trí nhớ. Đậu đỏ giúp cơ thể cân bằng, đáo thải khí độc, tốt cho máu huyết. Bí ngô tăng cường hệ miễn dịch, giàu vitamin C. Cà rốt tăng điều tiết sinh lý, thể chất, tăng miễn dịch, kháng khuẩn, giải độc… Gạo lứt phòng nhiều bệnh. Cà tím duy trì sự trao đổi chất trong cơ thể, kích thích nhịp tim hoạt động khỏe hơn.

- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm giàu đạm, tinh bột, giàu carbohydrat… vì có nguy cơ tăng cân, béo phì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hà (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN