Mùa hè nhiều người lạm dụng loại nước này dễ khiến đường huyết tăng quá mức
Mọi người có sự hiểu lầm về loại nước này và uống nó thay nước lọc, điều đó không có lợi cho sức khỏe.
Không biết từ bao giờ nước ép trái cây trở thành thực phẩm tốt cho sức khỏe hay được ví như “thần dược giải độc”, một số người còn dùng nó thay trái cây. Tuy nhiên, tờ Daily Mail đưa tin rằng, uống nước ép trái cây mỗi ngày có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, trong khi ăn trái cây dạng thô lại làm giảm nguy cơ này.
Nếu bạn ăn một quả táo sẽ cảm thấy no, tuy nhiên để ép ra một ly nước táo nguyên chất thì cần tới 2-3 quả táo, điều này sẽ tăng hàm lượng đường nạp vào cơ thể, có thể khiến đường huyết tăng vọt.
Bên cạnh đó, Viện Nhi khoa Mỹ cũng đưa nước ép trái cây vào “danh sách đen đối với sức khỏe”. Trong hướng dẫn mới nhất của họ nhấn mạnh rằng, nước ép trái cây không có lợi về mặt dinh dưỡng, ngược lại còn mang tới nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Trên thực tế, trong các khu vực đồ uống tại nhiều cửa hàng, siêu thị, nước ép trái cây chiếm số lượng lớn với đủ các loại nhãn hiệu khác nhau. Một số loại có in những khẩu hiệu tốt cho sức khỏe như “100% nước ép trái cây nguyên chất”, “100% không chất phụ gia”, rất nổi bật trên bao bì.
Thông thường những loại nước ép trái cây đóng hộp này rất được ưa chuộng vào những ngày nắng nóng, ăn kèm với bánh mì hoặc đồ ăn nhẹ khác.
Trong khi đó, bên ngoài cũng đầy những cửa hàng bán nước ép trái cây tươi. Các loại trái cây như cam, cốc, ổi… được ép tại chỗ, thêm đường, đá, đóng nắp và giao ngay cho khách hàng chỉ trong vòng vài phút. Nhiều người nghĩ rằng, nước cam tươi mới vắt như vậy sẽ tốt cho sức khỏe hơn và sẵn sàng chi tiền mua uống hằng ngày.
Uống nước ép trái cây không bằng ăn trái cây
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard, Mỹ phát hiện ra rằng, ăn 3 phần trái cây mỗi ngày có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng uống 1 ly nước cam mỗi ngày có liên quan đến việc tăng 24% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng 18% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Cố Trọng Nghĩa, chuyên gia dinh dưỡng tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh và là giám đốc của Hiệp hội Dinh dưỡng Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ với tờ Life Times rằng: “Hàm lượng đường trong nước ép trái cây khá cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.”.
Nhiều người thích uống một ly nước ép trái cây vào buổi sáng như một sự thay thế cho lượng trái cây và rau quả hằng ngày của họ.
Về vấn đề này, Trần Hà Phi, trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Hoa Đông Thượng Hải, Trung Quốc cho biết: “Mọi người nên ăn nhiều loại trái cây và rau quả, rất khó để đạt được sức khỏe toàn diện nếu chỉ dựa vào nước ép trái cây.
Trái cây tươi chứa nhiều chất xơ, có thể đánh lừa não bộ khiến con người không còn cảm giác đói, nhờ đó gan giảm sản xuất glucose, tăng khả năng dung nạp đường và độ nhạy insulin, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
So với trái cây tươi, lượng chất xơ và pectin trong nước trái cây bị thất thoát nhiều hơn, làm giảm cảm giác no, khiến người ta uống thêm vài cốc một cách vô thức. Nước ép trái cây chứa nhiều đường tự nhiên và cả chất làm ngọt nhân tạo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”.
Trong quá trình ép nước, các lưỡi quay tốc độ cao sẽ phá hủy hầu hết các tế bào rau quả, đồng thời một số chất dinh dưỡng sẽ hòa tan vào nước ép như kali, anthocyanin, vitamin C, v.v. Tỷ lệ thất thoát vitamin C đôi khi cao tới 80%.
Đối tượng không nên uống nước ép trái cây
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ nhận thức được sự nguy hiểm của nước uống có ga nhưng lại rất thoải mái với nước ép trái cây.
Trong cuốn "Hướng dẫn uống nước ép trái cây cho trẻ em" mới nhất do Học viện Nhi khoa Mỹ ban hành chỉ ra rằng, đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, nước trái cây không có lợi về mặt dinh dưỡng và không được phép uống. Trẻ từ 4 – 6 tuổi không uống vượt quá 180ml mỗi ngày. Trẻ 7 – 18 tuổi không uống vượt quá 240ml.
Thay vì uống nước ép trái cây, cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn trái cây tươi nhiều hơn để cơ thể hấp thụ chất xơ và quan trọng hơn là có thể rèn luyện khả năng nhai.
Nước trái cây có vị ngon hơn và trẻ em dễ chấp nhận hơn nhưng hàm lượng đường trong nước ép trái cây rất cao, có thể làm tăng nguy cơ béo phì và sâu răng.
Đường sucrose, fructose và glucose trong đó có thể bị vi khuẩn đường ruột lên men và gây tiêu chảy. Trong một số trường hợp vệ sinh kém, việc tự làm nước ép trái cây cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm các loại vi khuẩn như vi khuẩn, ký sinh trùng. Uống nước ép trái cây trong thời gian dài còn có thể khiến trẻ hình thành thói quen xấu không uống nước lọc.
Đối với trẻ em trên 10 tuổi hoặc người lớn, thỉnh thoảng uống nước ép trái cây vừa phải sẽ không gây hại cho sức khỏe. Nhưng cả 2 chuyên gia đều cho rằng, nước lọc vẫn là loại nước tốt nhất cho sức khỏe. Trên quan điểm dinh dưỡng, trái cây là để ăn chứ không phải để uống.
Những người không thích hợp ăn trái cây, chẳng hạn như bệnh nhân mắc một số bệnh về hệ tiêu hóa, có thể uống một ít nước ép trái cây với lượng phù hợp.
Bác sĩ Cố Trọng Nghĩa khuyên khi chọn nước ép trái cây, mọi người nên hiểu rõ giá trị dinh dưỡng của các loại đồ uống, nên chọn nước ép trái cây 100% thay vì đồ uống có hàm lượng nước ép trái cây thấp hoặc đồ uống trái cây.
Bác sĩ Trần Hà Phi gợi ý rằng, khi uống nước trái cây mới vắt, hãy cố gắng đánh nhuyễn bã trái cây để uỗng cùng. Nước ép trái cây tươi rất dễ bị hư, có thể thêm một lát chanh, nó sẽ ức chế hoạt động của polyphenol oxidase, giữ độ tươi lâu hơn và bảo vệ chất dinh dưỡng.
Một số loại trái cây có hạt hoặc hạt độc cần được loại bỏ trước khi ép, chẳng hạn như anh đào, táo, mận. Tuy nhiên, một số hạt trái cây chứa nhiều thành phần chống oxy hóa và có giá trị dinh dưỡng cao như nho, lựu, kiwi, dưa hấu… tốt nhất nên giữ lại khi ép cùng.
Ngoài ra, nước trái cây và thuốc không thể uống cùng nhau. Nhiều loại trái cây như nho, bưởi, việt quất… có chứa flavonoid có thể làm giảm hoạt tính của các loại enzym và protein hoạt động trong quá trình chuyển hóa thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Bệnh tiểu đường có thể biến chứng ra nhiều bệnh khác nguy hiểm, vì thế mọi người cần cẩn trọng với những gì ăn vào mỗi ngày.
Nguồn: [Link nguồn]