Mù mắt oan vì xử trí chấn thương sai
Khi gặp các chấn thương về mắt nên sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Chấn thương mắt có thể xảy ra với bất kỳ ai, mọi lúc, mọi nơi, do các tai nạn về lao động, giao thông, sinh hoạt, thể thao… Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ảnh hưởng đến chức năng thị giác. Nếu xử trí đúng chuyên khoa và tuân thủ các biện pháp bảo vệ mắt sẽ hạn chế được số chấn thương mắt cùng các biến chứng rất nguy hiểm.
Phẫu thuật mắt do bất cẩn, chủ quản
Ông BTH (Tây Ninh) trong khi cắt sắt đã bị một mảnh sắt bay vào mắt. Nghĩ không hề gì nên người nhà ra quầy thuốc Tây mua thuốc về nhỏ mắt cho ông. Vài tuần sau, mắt của ông H. không khỏi mà lại bị viêm nhiễm, sưng vùng mi mắt, lúc đó gia đình mới đưa ông đến bệnh viện để khám. Bác sĩ kết luận ông H. bị rách giác mạc, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Sau hai lần phẫu thuật rất phức tạp, ông H. mới thoát khỏi nguy cơ bị mù mắt.
Ngoài những chấn thương mắt do tai nạn lao động ở người lớn, chấn thương mắt cũng thường gặp ở trẻ em. Bé NTK (10 tuổi) ở quận 6 sơ ý làm vỡ chai nước ngọt đang để trên bàn khiến mảnh chai văng tung tóe. Mẹ cháu K. kiểm tra không thấy con tổn thương mắt nên chủ quan không đưa bé đi khám. Vài ngày sau thấy mắt bé bất thường, tiết nhiều dịch và ghèn thì gia đình mới đưa bé đi khám. Các bác sĩ kiểm tra, không thấy có mảnh thủy tinh nhưng giác mạc bị rách nên phải mổ để khâu lại cho bé K. Sau ba lần phẫu thuật, đến nay mắt của bé K. đã hồi phục nhưng thị lực giảm nhiều so với trước đây.
Khi bị các chấn thương về mắt nên sơ cứu đúng cách và đưa đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Ảnh: HUYỀN VI
Sơ cứu đúng sẽ không bị biến chứng
Xử trí đúng cách, đúng thời điểm sẽ góp phần không nhỏ trong việc phục hồi chức năng thị giác và thẩm mỹ của mắt.
Khi bị chấn thương vùng mi hoặc nhãn cầu, việc sơ cứu đầu tiên là làm vệ sinh vùng tổn thương bằng nước sạch, nước cất hay nước muối sinh lý. Nếu tổn thương là do hóa chất thì làm loãng bằng cách rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt. Sau đó che mắt và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Trong các trường hợp rách mi mắt phải chuyển ngay đến cơ sở y tế có khoa mắt gần nhất để được khám kỹ và xử trí căn bản đúng chuyên khoa.
Bệnh nhân khi xảy ra các chấn thương vùng mi, mắt thường bỏ qua những triệu chứng đơn giản như cộm xốn, rát, chảy nước mắt…, đợi đến khi có các triệu chứng nặng hơn như nhìn mờ, sưng đỏ, chảy mủ, ghèn… mới đi khám. Nhiều bệnh nhân không được sơ cứu vết thương trước khi chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa, nhất là khi cơ sở này ở xa nơi xảy ra tai nạn. Họ thường tự mua thuốc uống hoặc nhỏ mắt, tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian như đắp lá cây, lá thuốc hoặc dùng các loại nước rửa tự chế.
Tóm lại chấn thương mắt rất đa dạng. Sơ cứu và xử trí chuyên khoa đúng sẽ giúp phục hồi tốt nhất chức năng thị giác và thẩm mỹ của mắt. Phòng ngừa chấn thương mắt cũng giữ vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các tai nạn lao động. Các tai nạn cũng có thể phòng ngừa hoặc giảm thiểu được tổn thương nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn lao động (kính bảo hộ, dụng cụ bảo hộ, quy tắc an toàn khi vận hành máy móc…).
Các loại tổn thương thường gặp
Chấn thương mắt gây ra nhiều loại tổn thương khác nhau như chấn thương kín của nhãn cầu, thủng nhãn cầu, chấn thương xuyên qua nhãn cầu, vỡ ổ mắt… Các chấn thương nhẹ, dễ xử trí, ít để lại di chứng như sưng bầm mi, trầy xước da mi, rách mi đơn giản…
Các tổn thương nặng, xử trí phức tạp hơn và ít nhiều để lại di chứng ảnh hưởng đến thị lực, thẩm mỹ và chất lượng sống của bệnh nhân: rách giác mạc, tổn thương rách mi phức tạp, đứt lệ quản…
Các tổn thương nhãn cầu rất nặng như rách vỡ thành nhãn cầu, chấn thương dập nội nhãn, lệch thể thủy tinh, bong hoặc rách võng mạc. Những chấn thương này ảnh hưởng rất lớn đến chức năng thị giác.
Các biến chứng sau khi chấn thương mắt bao gồm: sẹo giác mạc, chảy máu tiền đình, tách một phần chu vi mống mắt khỏi thể mi, thiên đầu thống sau chấn thương, đục thủy tinh thể do phù và kích thích lớp giữa nhiều sắc tố của nhãn cầu, chảy dịch kính, bong võng mạc. Nếu nặng hơn có thể gây mù hoặc phải bỏ mắt.