Một thói quen đi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có một thói quen khi đi ngủ của nhiều người là yếu tố nguy cơ gây tăng đường huyết.
Bạn có thói quen tắt đèn khi đi ngủ không? Có nhiều người cho rằng, việc ngủ với đèn sẽ mang đến cảm giác an toàn hơn, trong khi có nhiều người khác thì để đèn sáng trong phòng để đáp ứng nhu cầu của bản thân như đọc sách, dùng điện thoại… Tuy nhiên, thói quen này ảnh hưởng đến chu kỳ sinh học bình thường của cơ thể. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề giấc ngủ và bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Vương Tư Hoành từ Phòng khám Phục hồi chức năng Hengxin, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ về một nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ, trong đó 20 người trẻ tuổi luân phiên ngủ trong phòng tối và phòng sáng. Ánh sáng trong phòng có độ sáng tương đương với bóng đèn trần 60 watt, không sáng bằng phòng học nhưng sáng hơn một chút so với hành lang.
Kết quả cuối cùng của nghiên cứu cho thấy, việc ngủ với đèn sáng khiến những người tham gia thí nghiệm có mức đường huyết cao hơn sau khi ăn thức ăn chứa tinh bột vào ngày tiếp theo. Điều này cho thấy họ có kháng insulin, môi trường sáng còn làm giảm thời gian giấc ngủ sâu và tăng nhịp tim khi ngủ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ánh sáng ban đêm làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (tình trạng kích thích, căng thẳng), thay đổi cấu trúc giấc ngủ và ảnh hưởng đến khả năng cơ thể chuyển hóa glucose.
Ngủ với đèn sáng có ảnh hưởng đến việc tiết hormone melatonin không?
Bác sĩ Vương cho biết, dựa trên nghiên cứu này, việc ngủ với đèn không ảnh hưởng đến việc tiết hormone melatonin. Nếu bạn có thói quen không thể ngủ khi không bật đèn, bạn có thể đeo mặt nạ mắt để tránh tác động từ ánh sáng trong phòng.
Làm thế nào để cải thiện vấn đề mất ngủ?
- Dù có dùng đèn ngủ hay không, hãy giữ thời gian thức dậy cố định. Thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ tạo thói quen cứ tới giờ là buồn ngủ vào buổi tối.
- Ngừng sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến giấc ngủ như cà phê, trà, rượu, thuốc lá… trước khi ngủ.
- Tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày dẫn tới khó ngủ vào ban đêm.
- Tăng cường hoạt động thể chất trong ngày (hoạt động làm cho mồ hôi và tăng nhịp tim), đặc biệt là vào buổi chiều tối nhưng tránh vận động vào ban đêm.
- Tránh những kích thích và quá bận rộn vào ban đêm, thay vào đó là các hoạt động nhẹ nhàng mang tính thư giãn.
- Tăng cơ hội tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên của mặt trời vào ban ngày sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.
- Tắm nước nóng trong 20 phút trước khi đi ngủ 1-2 tiếng.
- Không nên ăn quá nhiều vào buổi tối (đặc biệt là những thức ăn khó tiêu hoá). Trước khi đi ngủ có thể uống 1 cốc sữa, nếu đói bụng có thể ăn nhẹ nhưng tránh uông nhiều nước.
- Duy trì môi trường ngủ thoải mái, giảm thiểu các yếu tố gây mất tập trung.
- Không nên ép bản thân đi vào giấc ngủ, nếu nằm trên giường 20-30 phút mà không ngủ được thì hãy đứng dậy vận động nhẹ nhàng, chỉ khi ngủ mới quay trở lại giường.
Bác sĩ Vương còn gợi ý rằng, để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn nên đảm bảo rằng phòng ngủ tối, mát mẻ, điều này sẽ bảo vệ sức khoẻ tốt hơn.
Giấc ngủ đối với cơ thể rất quan trọng, hầu hết những người sống thọ nhất thế giới đều rất chú trọng tới giấc ngủ ban đêm.
Nguồn: [Link nguồn]