Một thế giới khác của bệnh viện công

Bệnh viện còn là một thế giới đảo lộn, khi những quy định chuyên môn tưởng chừng như nghiêm ngặt vì liên quan đến tính mạng con người, lại bị buông thả và thực hiện hời hợt.

Chắc hẳn trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh viện là thế giới của lòng nhân ái, hy sinh và yêu thương. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng nếu căn cứ vào kết quả thanh tra tại ba bệnh viện công lập có tiếng ở TP.HCM (Bệnh viện Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Nguyễn Tri Phương) vừa công bố cách đây hơn một tuần.

Bệnh viện cũng là một thành phần trong xã hội, phải tuân theo những luật lệ do xã hội đặt ra, nhưng chẳng hiểu sao ở đây những nhà quản lý lại có những luật riêng nhằm phục vụ cho lợi ích nhóm. Đơn cử, tại bệnh viện Bình Dân, hai bác sĩ và một dược sĩ (con trai của nguyên giám đốc) không phải qua học việc ngày nào mà được ký hợp đồng thử việc ngay (hai tháng) rồi sau đó được ký hợp đồng làm việc. Nhưng lạ thay, ở đây cũng có hai bác sĩ dù học việc không lương một thời gian khá lâu nhưng lại không được ký hợp đồng lao động. Có gì khác nhau trong chuyện này?

Một thế giới khác của bệnh viện công - 1

Tại Bệnh viện Bình Dân, hai bác sĩ và một dược sĩ (con trai của nguyên giám đốc) không phải qua học việc ngày nào mà được ký hợp đồng thử việc ngay.

Cũng ở bệnh viện này, nhân danh xã hội hoá y tế, người ta cho đơn vị này, đơn vị kia liên kết, liên doanh đặt máy. Chủ trương này không sai, vì ngoài hạn chế đầu tư ngân sách công vẫn giúp bệnh viện phát triển. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù chưa có sự đồng ý của sở Y tế, người ta vẫn thực hiện, và khi thực hiện thì cứ 1 đồng chảy vào ngân sách nhà nước thì 5 đồng lọt vào túi một số cá nhân. Nhìn vào kết quả thanh tra, ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, dự án liên kết đặt máy nào cũng có vấn đề, sai phạm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng!

Bệnh viện đúng là có luật riêng. Ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, phó khoa chẩn đoán hình ảnh chỉ là một cử nhân X-quang, thế mà lãnh đạo bệnh viện lại để người này thực hiện luôn kỹ thuật siêu âm và trả lời kết quả cho bệnh nhân. Luật Khám chữa bệnh hiện hành không cho phép như thế, nhưng ở bệnh viện này, người ta cho phép! Luật riêng cũng có ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương khi kết quả thanh tra cho thấy nhiều đơn vị cung cấp thuốc, trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn thầu, nhưng vẫn trúng thầu. Có ai hào phóng hoặc ngây thơ làm như thế không?

Bệnh viện ở nước ta đôi khi là một thế giới đảo lộn. Tưởng chừng bệnh viện công là của mọi người, đặc biệt dành cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhưng thực tế không phải vậy. Ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, dù trong ngày làm việc nhưng số ca mổ dịch vụ (bệnh nhân phải đóng thêm tiền so với quy định) chiếm đến 70%. Hoá ra ở đây ai có tiền được ưu tiên mổ nhanh, người nghèo dù cần phẫu thuật gấp thì cũng cứ ngồi đấy chờ... tới lượt nhé! Ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tỷ lệ mổ dịch vụ chỉ xấp xỉ 50%, nhưng điều “tàn nhẫn” là ngay cả mổ cấp cứu như viêm ruột thừa cấp, viêm ruột thừa vỡ hay u nang buồng trứng vỡ người ta cũng lấy tiền mổ dịch vụ. Trong năm 2012, chỉ mổ dịch vụ viêm ruột thừa, bệnh viện thu về hơn 500 triệu đồng, trong đó tỷ lệ phân chia công mổ giữa kíp mổ và bệnh viện là 50/50, dù ca mổ sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của bệnh viện. Nhân viên y tế ở hai bệnh viện này là đều là người nhà nước, cớ sao chỉ nhăm nhe “kiếm chác” trên thân phận của bệnh nhân, quên mất tinh thần phục vụ của một công chức, của “từ mẫu”?

Bệnh viện còn là một thế giới đảo lộn, khi những quy định chuyên môn tưởng chừng như nghiêm ngặt vì liên quan đến tính mạng con người, lại bị buông thả và thực hiện hời hợt. Ở bệnh viện Bình Dân, kết quả thanh tra cho thấy 47% hồ sơ bệnh án từ năm 2009 – 2012 trong đó bác sĩ cho y lệnh thuốc nhưng không ghi rõ thời gian sử dụng thuốc, 66% hồ sơ trong đó trưởng/phó khoa chỉ ký tên nhưng không ghi kết quả thăm khám, 39% biên bản hội chẩn trước phẫu thuật không có sự tham dự của phẫu thuật viên, 27% ca tử vong tại bệnh viện nhưng chỉ có một bác sĩ khám và xác nhận trong hồ sơ bệnh án. Đúng là kinh hoàng, nhưng còn kinh hoàng hơn khi đây là bệnh viện hàng đầu về ngoại khoa nhưng lại không có số liệu nào khảo sát về nhiễm trùng bệnh viện, và bệnh viện cũng chưa giám sát việc rửa tay của nhân viên y tế và bệnh nhân. Với cách làm việc cẩu thả như vậy, bệnh nhân vào bệnh viện này chẳng khác gì “may nhờ rủi chịu”!

Bệnh viện công nước ta thường được xã hội chia sẻ bằng một hình ảnh đáng quý: thế giới của những nhân viên y tế làm việc vất vả, hy sinh thầm lặng, chịu đựng với thu nhập còn hạn chế. Hình ảnh đó đúng ở một bộ phận nhiều người lao động ở đây, nhưng hoàn toàn sai ở một nhóm nhỏ lãnh đạo khi xem bệnh viện là lãnh địa của mình, tha hồ trục lợi cá nhân, bất chấp y đức, đạo lý và pháp luật. Kết quả thanh tra đề nghị thu hồi tiền thất thoát từ một số cá nhân lãnh đạo, nhưng câu hỏi cũng đặt ra: Tiền thu hồi đó phải chăng chỉ là phần nổi của tảng băng thu nhập bất chính của những người gây thiệt hại? Nhiều cá nhân bị quy trách nhiệm cụ thể, nhưng liệu điều đó có đủ hay không khi người ta đòi hỏi trách nhiệm cả ở những người bổ nhiệm những cá nhân này, và trách nhiệm cả ở những người từ cấp cao hơn khi đã buông lỏng việc giám sát và theo dõi cấp dưới trong một thời gian dài?

Thật buồn cười khi đều đặn hàng năm sở Y tế TP.HCM đều tổ chức kiểm tra các bệnh viện dưới quyền và chắc hẳn những năm qua các bệnh viện Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Nguyễn Tri Phương đều được công nhận là bệnh viện tốt hoặc chí ít thì cũng không có vấn đề gì. Vậy mà chỉ sau một đợt thanh tra, những lớp son hào nhoáng đó lại bị rơi rụng không thương tiếc. Người ta đã làm gì ở những lần kiểm tra trước đây mà không phát hiện được sai sót và tiêu cực? Và trong những ngày qua, khi người viết tiếp xúc với nhiều người trong ngành y, họ đều có chung một nhận định: Giờ đây chỉ cần thanh tra bệnh viện nào là bệnh viện đó có vấn đề, và bệnh viện nào càng có nhiều lợi ích, bệnh viện đó tiêu cực càng lớn.

Đó là một thế giới khác của bệnh viện công?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Sơn (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN