Một số công thức nước lá ổi trị bệnh

Sự kiện: Món ăn bài thuốc
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lá ổi không chỉ dùng độc vị mà còn được phối hợp với các loại thuốc nam khác, dùng phòng và trị bệnh rất hiệu quả.

Về nguyên lý, lá ổi có thể để ăn, dùng tươi hoặc có thể chế biến để pha trà, pha nước uống, nhưng lá ổi còn được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y giá trị để chữa bệnh.

1. Công thức nước lá ổi chữa bệnh

Trong lá ổi chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa như: Tannin, flavonoid, berbagai, polyphenol, carotenoid, quercetin… Trong đó, hàm lượng berbagai có khả năng giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn, làm giảm cân, hạ mỡ máu, điều hòa đường máu, điều trị tiêu chảy cấp hoặc bệnh lỵ. Lá ổi ngày càng được nhiều người sử dụng trong chữa bệnh, cải thiện sức khỏe, chống lão hóa và làm đẹp.

1.1 Nước lá ổi giúp kiểm soát đái tháo đường type 2

Trong lá ổi chứa các nhóm chất như quercetin, avicularin có khả năng giảm hàm lượng glucose trong cơ thể. Sử dụng lá ổi sẽ giúp kiểm soát insulin và lượng đường huyết trong máu. Do đó, uống trà lá ổi thường xuyên có thể giúp hỗ trợ kiểm soát tình lượng đường trong máu, làm giảm các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.

Nguyên liệu:

Lá ổi tươi 15 lá (khoảng 20g).

Nước 1000 ml.

Cách dùng: Rửa sạch lá ổi, cho vào nước đun sôi khoảng 30 – 40 phút, để nguội uống thay nước trong ngày.

Hoặc trà lá ổi khô 10g -15 g pha trà uống trong ngày (nên phà nhiều lần nước để ra hết chất trong lá ổi).

Cách làm: Lá ổi rửa sạch, phơi khô cắt nhỏ hoặc xay thô, đựng vào bình kín, khi uống thì hãm nước để uống mỗi ngày.

Thời gian sử dụng: Sử dụng nước lá ổi kiên trì khoảng 60 – 100 ngày có thể giúp tình trạng bệnh đái đường được cải thiện tốt.

Uống nước lá ổi có tác dụng trị nhiều bệnh.

Uống nước lá ổi có tác dụng trị nhiều bệnh.

1.2. Nước lá ổi chữa tiêu chảy

Cầm (chống) tiêu chảy là một trong những tác dụng phổ biến nhất của lá ổi được người dân tin dùng và cho hiệu quả cao. Trong lá ổi chứa hàm lượng tanin rất cao có khả năng giúp làm săn niêm mạc ruột, kháng khuẩn, kháng virus, giảm tiết dịch ruột và nhu động ruột. Sử dụng lá ổi tươi hoặc trà lá ổi còn hỗ trợ giảm đau bụng cấp, kiểm soát phân lỏng và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Thành phần:

Lá ổi tươi: 30g (nếu trà khô 20g).

Rể cây ổi tươi: 10g.

Nước 400 ml.

Cách dùng: Cho nguyên liệu vào nước đun sôi còn khoảng 200 ml, uống 3-4 lần/ngày.

1.3. Nước lá ổi giúp giảm cholesterol trong máu (mỡ máu)

Trong lá ổi chứa các chất xơ hòa tan và các chất chống oxy hóa giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Trà lá ổi tươi hay khô giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn chặn sự hình thành của các gốc tự do, giảm nguy cơ tai biến, đột quỵ…

Thành phần và cách dùng: Lá ổi tươi 10 -12 lá, nấu với 500 ml nước, uống trong ngày;

Hoặc 10g trà lá ổi khô pha trà uống mỗi ngày.

1.4. Nước lá ổi hỗ trợ giảm cân giữ dáng hiệu quả

Trong trường hợp cần giảm cân thường dùng nước lá ổi tươi xay, có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm cảm giác thèm ăn, nhờ đó có thể giúp bạn giảm cân, giữ dáng vô cùng hiệu quả.

Thành phần:

Lá ổi tươi: 30 - 40 g

Nước lọc:150 ml

Cách dùng: Rửa sạch lá ổi, để ráo nước, xay nhuyễn lá ổi với nước, lọc bỏ bã uống ngày 1-2 lần.

1.5. Nước lá ổi giải dị ứng, mề đay

Trong lá ổi chứa các hợp chất ngăn ngừa tình trạng dị ứng do histamin gây ra.

Thành phần:

Lá ổi tươi 20 - 30 gam

Lá khế tươi 25 g

Nước 500 ml

Cách dùng: Cho nguyên liệu vào nước, đun sôi 20 phút, chia uống 2 lần trong ngày.

1.6. Nước lá ổi giải độc gan, tăng cường sức đề kháng

Nước lá ổi còn có tác dụng giải độc gan, giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Loại nước này đặc biệt tốt cho thể trạng của người có hệ miễn dịch suy yếu.

Thành phần:

Lá ổi tươi: 10- 15 gam

Củ sả: 2 củ (giã dập)

Nước: 400 ml

Cách dùng: Cho nguyên liệu vào nước, đun sôi 15 phút, uống 2 lần trong ngày.

1.7. Nước lá ổi hỗ trợ hệ tiêu hóa

Lá ổi có tác dụng cải thiện quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm triệu chứng khó tiêu, đau dạ dày và tăng cường hấp thụ các dưỡng chất. Bởi trong lá ổi chứa một số enzyme tiêu hóa giúp phân giải các chất thức ăn khó tiêu hóa như tinh bột, chất béo và protein, hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Lá ổi có tính chất làm dịu dạ dày, giúp ngăn tình trạng táo bón...

Thành phần:

Lá ổi tươi: 25gam

Nước: 300 ml

Cách dùng: Cho lá ổi vào nước, đun sôi 15 phút, uống 2 -3 lần trong ngày.

1.8. Nước lá ổi chống oxy hóa

Lá ổi là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid, polyphenol và vitamin C… giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do các gốc tự do và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, ngăn chặn các bệnh lý về tim mạch, ung thư…

Thành phần:

Lá ổi tươi: 15 – 17 lá

Nước: 500 ml

Cách dùng: Cho lá ổi vào nước, đun sôi 15 phút, uống 2-4 lần trong ngày.

1.9. Nước lá ổi làm đẹp da, chống lão hóa

Công dụng chống oxy hóa của lá ổi tươi cũng được áp dụng trong lĩnh vực làm đẹp, giúp da duy trì độ tươi trẻ và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm. Sử dụng lá ổi tươi làm kem thoa mặt, hoặc các vùng da rất tốt, sẽ giúp giảm mụn, làm sáng da, giảm nám, và se khít lỗ chân lông.

Thành phần:

Lá ổi tươi: 50g

Mật ong: 10 ml

Lòng đỏ trứng gà: 01 cái (dùng cho 02 ngày nếu chỉ vùng mặt).

Cách làm: Rửa sạch lá ổi tươi, để ráo, cho vào máy xay thật nhuyễn, lọc thô bỏ bã, cho mật ong, lòng đỏ trứng gà đánh đều bằng máy. Dùng hỗn hợp này đắp vào da mặt hoặc các vùng da khác (tùy theo nhu cầu của từng người), ngày 1 lần 20 phút, rồi rửa lại bằng nước sạch. Số còn lại chưa dùng thì bảo quản ở tủ lạnh, khi dùng lấy ra cho hết lạnh rồi đắp mặt, da.

1.10. Nước lá ổi tắm ngoài chữa mẩm ngứa, mề đay, dị ứng...

Thành phần:

Lá ổi tươi: 300 - 500g

Lá bàng: 300g- 400g

Lá khế: 200g - 300g

Nước: 5 - 8 lít.

Cách làm: Lá ổi, lá bàng, lá khế rửa sạch, cắt nhỏ, đun sôi thời gian 30 – 40 phút (để ra hết chất trong lá). Dùng nước này tắm, tắm từ từ cho nước thuốc thấm vào da, xoa nhẹ nước sắc vào các chổ mẩn ngứa, mề đay, dị ứng... (có thể hứng nước này tắm lại, như kiểu gội đầu). Nếu bệnh nặng ngày có thể tắm 2 lần.

2. Lưu ý khi sử dụng lá ổi (tươi, khô và chế phẩm)

- Về vấn đề dị ứng: Lá ổi rất ít khi gây ra dị ứng hoặc gây tác dụng phụ cho cơ thể. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của từng người, một số người bị dị ứng hoặc mắc bệnh về da liễu (bệnh chàm) có thể bị dị ứng. Vì thế, nên lưu ý khi sử dụng nước lá ổi và các bộ phận từ cây ổi có thể chứa các chất gây kích ứng da ở những đối tượng này.

- Các bệnh khác: Đối với những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh thận… trước khi dùng lá ổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đông y để sử dụng nước lá ổi và chế phẩm hiệu quả nhất.

- Dùng lá ổi khô hay tươi đều được. Tuy nhiên nên dùng dạng tươi sẽ tốt hơn. Dạng khô dễ cất giữ, bảo quản hơn, để dùng lâu dài.

Cây ổi là một loài cây ăn quả có từ lâu đời với nhiều nước trên thể giới trong đó có Việt Nam. Là một cây có giá trị kinh tế cao, cây còn cho các bộ phận để phục vụ đa dạng cho sức khỏe của con người.

Quả của cây ổi là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, bùi phù họp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều người.

Ngoài dùng quả, cây ổi còn có một số bộ phận mà nhân dân Việt Nam theo chiều dài của lịch sử, đã có những kinh nghiệm quý báu truyền lại cho các thế hệ con cháu về cách dùng lá, vỏ, rễ, nụ để chữa các bệnh thường gặp cũng như trong phòng các bệnh đời sống hàng ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Lá đu đủ có công dụng tiêu mụn nhọt, có thể từ đó mà dân gian đồn thổi lá đu đủ có thể chữa bệnh ung thư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BSCK2.Lương Y Trần Ngọc Quế ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN