Một cách giảm cân đang "hot" có thể đem lại tin rất xấu
Một nghiên cứu mới cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân và đem lại nhiều lợi ích khác, nhưng cũng có "tác dụng phụ" rất oái oăm.
Trong một chuỗi thí nghiệm và phân tích, nhà sinh học tế bào gốc Bing Zhang, từ Đại học Westlake (Trung Quốc) và các cộng sự cho thấy nỗ lực giảm cân bằng phương pháp nhịn ăn gián đoạn đang "hot" có thể khiến bạn phải đánh đổi bằng mái tóc.
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp ăn kiêng trong đó các bữa ăn trong ngày được gói gọn trong một khung giờ nhất định. Ví dụ nếu bạn ăn kiểu 10:14, nếu bữa ăn sáng bắt đầu lúc 8 giờ trong ngày thì bữa tối phải kết thúc trước 18 giờ.
Có thể ăn với công thức thư thả hơn như 12:12 hay khắc nghiệt hơn như 8:16.
Nhịn ăn gián đoạn đem lại nhiều lợi ích lẫn tác dụng phụ - Minh họa AI: Thu Anh
Các nghiên cứu trước đây cho thấy ngoài tác dụng giúp giảm cân, tăng cường chuyển hóa, giảm đường huyết..., nhịn ăn gián đoạn có thể tăng cường khả năng chống chịu căng thẳng của một số tế bào gốc, bao gồm những tế bào liên quan đến máu, ruột, mô cơ...
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu phương pháp này có ảnh hưởng đến các mô ngoại vi như da hoặc tóc hay không, theo Science Alert.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc nhịn ăn cũng có thể hỗ trợ quá trình tái tạo ở các mô đó, nên đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên trên 2 nhóm chuột được cạo lông.
Kết quả cho thấy điều ngược lại so với dự đoán ban đầu: Nhóm chuột ăn bình thường đã mọc lại hầu hết lông sau 30 ngày, trong khi cả hai nhóm chuột nhịn ăn theo công thức 8:16 hoặc ngày ăn, ngày nghỉ vẫn chỉ mọc lại một phần lông sau 96 ngày.
Phân tích sâu hơn về cơ chế, các tác giả phát hiện ra rằng tế bào gốc nang tóc/lông (HFSC) ở người và động vật không thể xử lý được sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa do sự chuyển đổi giữa glucose và chất béo.
HFSC tự nhiên chuyển đổi giữa trạng thái hoạt động và trạng thái ngủ đông, và tóc mới chỉ có thể mọc nếu tế bào gốc chuyển trở lại trạng thái hoạt động.
Trong nhóm chuột ăn bình thường, HFSC hoạt động trở lại sau khoảng 20 ngày kể từ khi chuột được cạo lông và vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi lông mọc lại.
Tuy nhiên, ở những con chuột nhịn ăn gián đoạn, HFSC đã trải qua quá trình apoptosis – chết tế bào theo chương trình – trong thời gian nhịn ăn, do sự gia tăng đột biến các axit béo tự do xung quanh nang lông, dẫn đến sự tích tụ các loại oxy phản ứng trong tế bào gốc.
"Trong thời gian nhịn ăn, mô mỡ bắt đầu giải phóng axit béo tự do và các axit béo này đi vào HFSC vừa được kích hoạt, nhưng HFSC không có cơ chế phù hợp để sử dụng chúng" - TS Zhang giải thích.
Trong thí nghiệm tiếp theo trên người, các tác giả đã tuyển chọn 49 thanh niên khỏe mạnh và thử nghiệm với chế độ nhịn ăn gián đoạn 8:16. Kết quả cho thấy những người ăn kiêng kiểu này mọc tóc chậm hơn hẳn nhóm đối chứng.
Đó cũng có thể là lý do một số người đang nỗ lực giảm cân cảm thấy sự bất ổn đối với mái tóc.
Nhịn ăn gián đoạn nổi lên vài năm nay như phương án giảm cân, cải thiện sức khỏe được ưa chuộng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra các lợi ích mà kiểu ăn này có thể mang lại, tuy nhiên cũng nhiều nghiên cứu chỉ ra mặt trái.
Vì vậy theo các tác giả, điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ hơn kiểu ăn kiêng này vì nó sẽ phù hợp với một số người nhưng có thể mang lại phiền toái ở một số người khác.
Cảnh báo: Giảm cân đột ngột có thể là dấu hiệu của ung thư tụy.
Nguồn: [Link nguồn]