Món ăn bài thuốc có tam thất bổ dưỡng cơ thể
Tam thất từ lâu được nhân dân sử dụng như một vị thuốc bổ, có tác dụng cầm máu. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc có tam thất.
Đặc điểm cây tam thất
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, tam thất còn có tên kim bất hoán, nhân sâm tam thất, sâm tam thất.
Tên khoa học Panax Pseudo-ginseng (Burk). F.H. Chen. Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae.
Tam thất (Radix pseudo-ginseng) là rễ phơi khô của cây tam thất.
Cây tam thất càng lâu năm rễ củ càng to.
Tam thất là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm. Cây tam thất được trồng từ lâu nhưng với một lượng ít ở tỉnh Hà Giang (Đồng Văn), Lào Cai (Mường Khương, Bát Xát, Phà Lùng), Cao Bằng… tại các vùng núi cao 1.200-1.500m.
Sau 3-7 năm mới bắt đầu thu hoạch. Thường cây càng lâu năm rễ củ càng to. Giá trị thu mua căn cứ vào trọng lượng củ. Người ta chia ra:
- Loại 1: 105-130 củ nặng 1kg.
- Loại 2: 160-220 củ nặng 1kg.
- Loại 3: 240-260 củ nặng 1kg.
Cây tam thất còn được trồng ở Trung Quốc, khu vực Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, Vân Nam trồng nhiều nhất và tam thất Vân Nam được coi là tốt nhất.
Tam thất tán bột dùng trong các trường hợp chấn thương đụng giập, sưng nề.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ: Tam thất vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào hai kinh can và vị; có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thũng, dùng chữa thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, đẻ xong máu hôi không sạch, ung thũng...
Ngày dùng 4-8g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Dùng ngoài có tác dụng cầm máu tại chỗ.
Tại những nơi trồng tam thất, người ta coi tam thất là một vị thuốc bổ không kém nhân sâm, dùng thay nhân sâm.
Một số món ăn, bài thuốc có tam thất
Theo TS. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội, có thể dùng một số món ăn bài thuốc có tam thất bồi bổ cơ thể như sau:
Gà ác hầm tam thất thích hợp cho người suy nhược cơ thể.
Gà hầm tam thất
Nguyên liệu: Gà mái (khoảng 1kg) hoặc gà ác (ô cốt kê) 1 con, tam thất 20g.
Cách chế biến: Gà làm sạch, tam thất tán bột cho vào bụng gà; hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị cho ăn.
Công dụng: Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, khí huyết hư, ăn kém, mệt mỏi, da tái nhợt thiếu máu.
Canh tam thất (trứng gà, tây thảo, mai mực)
Nguyên liệu: Trứng gà 2 quả, tam thất 3g, mai mực 20g, tây thảo 10g.
Cách chế biến: Trứng khoét lỗ nhỏ, tam thất tán bột cho vào 2 quả trứng (chia đều) bịt kín lỗ khoét. Nấu cùng mai mực, tây thảo và lượng nước thích hợp. Khi trứng chín, bỏ vỏ trứng, ăn trứng và uống nước canh.
Công dụng: Dùng tốt cho chị em kinh nguyệt kéo dài 8 - 10 ngày, lượng ít, rỉ rả, có máu cục, đau quặn.
Gà giò hầm tam thất, quế chi
Nguyên liệu: Gà giò hoặc gà ác 1 con, quế chi 6g, tiểu hồi 6g, bột tam thất 3g.
Cách làm: Gà làm sạch, chặt miếng, nấu với quế chi, tiểu hồi cho chín nhừ, thêm gia vị, ăn thịt gà, uống nước canh với bột tam thất.
Cách dùng: Ngày 1 lần, đợt dùng 5 - 10 ngày.
Công dụng: Dùng tốt cho chị em bị viêm tử cung phần phụ.
Rượu hầm tam thất, ngó sen, trứng gà
Nguyên liệu: Tam thất 3g, nước ép ngó sen 200ml, rượu nhạt 150ml, trứng gà 1 quả.
Cách chế biến: Tam thất tán mịn, đập bỏ vỏ trứng, trộn nước ép ngó sen và rượu, đun cách thủy cho chín.
Công dụng: Dùng cho người thổ huyết, khái huyết tiện huyết, xuất huyết dạ dày ruột.
Cách dùng: Ngày ăn 1 lần.
Tam thất tán
Nguyên liệu: Tam thất tán bột.
Cách dùng: Mỗi lần uống 4 - 6g cùng với nước hồ hoặc chút rượu.
Công dụng: Dùng cho người kiết lỵ đại tiện xuất huyết, chấn thương đụng giập, sưng nề.
Kiêng kỵ: Người huyết hư không ứ không được dùng. Phụ nữ có thai không dùng.
Ung thư có thể xảy ra ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu và cổ, ung thư tuyến giáp, ung thư thực quản, ung thư dạ dày,...
Nguồn: [Link nguồn]