Mới nhất: Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phân loại 5 mức độ bệnh COVID-19
Theo hướng dẫn mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19, gồm: Không có triệu chứng lâm sàng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch.
Bộ Y tế vừa có Quyết định 250/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19”, thay thế cho hướng dẫn ban hành trước đó tại Quyết định 4689 ngày 6-10-2021 và Quyết định số 5666/QĐ-BYT ngày 12-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT. Đây là phiên bản lần thứ 8 được Bộ Y tế cập nhật, bổ sung.
(Ảnh minh họa).
Có thêm nhóm F0 không triệu chứng
Theo hướng dẫn mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19, gồm: Không có triệu chứng lâm sàng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch.
Trước đó, Hướng dẫn chẩn đoán và điều tri COVID-19 ban hành kèm quyết định 4689/QĐ-BYT ngày 6-10-2021 của Bộ Y tế chỉ phân loại các bệnh nhân COVID-19 theo 4 mức độ bệnh gồm nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch (các tiêu chí trong 4 mức độ này không có sự thay đổi).
Như vậy, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế, đã có thêm nhóm F0 không triệu chứng. Cụ thể:
Người nhiễm không triệu chứng: F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Mức độ nhẹ: F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.
Mức độ trung bình: Đánh giá toàn trạng, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang). Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo. Ngoài ra, chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 > 300.
Mức độ nặng: F0 được phân loại thuộc nhóm nặng nếu hô hấp có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: Nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng. Về tuần hoàn, nhịp tim người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, huyết áp bình thường hay tăng. Về thần kinh, người bệnh có thể bứt rứt hoặc mệt đừ, mệt. Chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực: Có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200-300.
Mức độ nguy kịch: F0 thuộc nhóm nguy kịch có biểu hiện thở nhanh > 30 lần/phút hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở ôxy dòng cao (HFNC), thở máy. Ý thức người bệnh giảm hoặc hôn mê. Nhịp tim bệnh nhân có thể nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt, tiểu ít hoặc vô niệu. Kết quả X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 < 200, toan hô hấp, lactat máu > 2 mmol/L.
Tiêu chuẩn xuất viện với F0
Tại hướng dẫn mới này cũng quy định tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người quản lý, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, cụ thể là thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.
Đối với người bệnh COVID-19 cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ít nhất là 5 ngày, các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2, người bệnh được ra viện. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với nồng độ vi rút cao (Ct < 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).
Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày; nếu thân nhiệt cao hơn 38°C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời; tuân thủ thông điệp "5K".
Đối với người bệnh COVID-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo, thời gian cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ít nhất là 5 ngày, sau khi các triệu chứng lâm sàng của bệnh Covid-19 đỡ, giảm nhiều và hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) từ 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, người bệnh được ra viện hoặc chuyển sang cơ sở khác hoặc khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú hoặc chuyển về nhà theo dõi, chăm sóc tại nhà theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với nồng độ vi rút cao (Ct < 30, bất kỳ gen đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).
Nguồn: [Link nguồn]
"Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép,...