Mỗi ngày, Việt Nam có hơn 3.300 người đột qụy

Đột quỵ não thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá...

Mỗi ngày, Việt Nam có hơn 3.300 người đột qụy - 1

 Một trường hợp cấp cứu do đột quỵ

Tại Hội thảo chuyên đề “Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp” ngày 15/7, TS. Vũ Đăng Lưu, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày Việt Nam có  hơn 3.300 người đột quy.

Theo TS. Vũ Đăng Lưu, đột quỵ não bao gồm chảy máu não và nhồi máu não. Trong đó nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá...

Tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng và sẽ có 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm vào năm 2025. Tại Việt Nam, cùng với mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi theo hướng giảm vận động, tuổi thọ tăng thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý đột quỵ não, đặc biệt là nhồi máu não cũng gia tăng.

“Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.”, ông Lưu thông tin.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, dấu hiệu nhận biết đột quỵ bao gồm: nói ngọng, liệt mặt (méo miệng), liệt nửa người, đau đầu đột ngột, chóng mặt, mất thị lực đột ngột…

“Nếu thấy người bệnh có những dấu hiệu trên thì lập tức gọi cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến bệnh viện”, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, thời gian vàng để xử trí hiệu quả bệnh đột quỵ là trong vòng 3 tiếng. Nếu chậm, não người bệnh bị thiếu máu, thiếu oxy, hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được.

Do đó, phải đưa người bệnh vào viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng hoặc bị chèn ép. Nếu người bệnh mắc đột quỵ không được đưa đến bệnh viện kịp thời có thể để lại di chứng kéo dài như: hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân được… mà đòi hỏi người trợ giúp lâu dài.

“Tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn”, TS.Vũ Đăng Lưu khuyến cáo.

TS. Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đối với đột quỵ thiếu máu não (do tắc mạch máu não), bệnh nhân có thể được xử trí cấp cứu như dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 4,5 giờ đầu, nếu bệnh nhân có tắc các động mạch não lớn có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch trong 6 giờ đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN