Mỗi ngày, 70 trẻ sơ sinh tử vong

Với 1,5 triệu trẻ được sinh ra hằng năm ở nước ta, có khoảng 27.000 trẻ bị tử vong vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đối với đa số vụ tử vong sau tiêm chủng gần đây, hội đồng chuyên môn đều kết luận nguyên nhân tử vong là do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý. Liệu tử vong sơ sinh có phòng tránh được?

Nhiều ca tử vong do bệnh lý

Theo ước tính của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 18/1.000 số trẻ sinh ra. Với khoảng 1,5 triệu trẻ em được sinh ra hằng năm thì mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 27.000 trẻ sơ sinh tử vong và mỗi ngày có trên 70 trẻ sơ sinh tử vong. Theo các thống kê hằng năm, tử vong sơ sinh chiếm tới 1/3 tổng số tử vong chung. Tỉ lệ này cũng cao hơn ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hẻo lánh, nông thôn…
Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương
 
Theo các bác sĩ nhi khoa, có 3 nhóm trẻ sơ sinh thường gặp tình trạng tử vong cao là nhóm trẻ có các bệnh lý liên quan đến giai đoạn chu sinh, các bệnh nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản...) và dị tật bẩm sinh (teo thực quản bẩm sinh, viêm phúc mạc sơ sinh, sinh ngạt, sinh non, dị tật bẩm sinh của đại tràng, teo ruột non, các dị tật về tim). Những nhóm trẻ này chiếm gần 90% tổng số tử vong sơ sinh. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nguy cơ tử vong cao nhất là vào ngày đầu tiên sau khi sinh, ước tính có khoảng từ 25%-45% trẻ sơ sinh tử vong trong ngày đầu mới lọt lòng mẹ.

Tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, kết quả nghiên cứu trong năm 2012 tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh của các bác sĩ Vũ Thị Vân Yến và Nguyễn Ngọc Lợi cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong tổng số hơn 29.000 trẻ sinh ra tại BV Phụ sản Trung ương năm 2012, tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 1,37%. Đa số trẻ tử vong sơ sinh là trẻ cực non (dưới 28 tuần tuổi) và có cân nặng thấp (dưới 1.000 g), chiếm hơn 40% trong tổng số trẻ tử vong. Ngoài ra, các bệnh lý xuất huyết não - màng não, đa dị tật, suy hô hấp, phù thai, sốc, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, suy dinh dưỡng, Rubella bẩm sinh, tăng áp phổi, bất thường nhiễm sắc thể… cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tử vong.

Sinh non nhiều nguy cơ

Theo bác sĩ Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, không phải trẻ sơ sinh nào tử vong cũng xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, với trẻ sinh non rất dễ gặp các vấn đề về suy hô hấp dẫn đến tử vong. Suy hô hấp có thể là biểu hiện của các bệnh đường hô hấp (rối loạn nhịp thở, da tím tái, khó thở…), bệnh tim mạch, não nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là hệ quả của tình trạng hạ thân nhiệt, hạ đường huyết ở trẻ. “Ngoài ra, một bệnh lý khác vô cùng nguy hiểm nhưng rất khó phát hiện là rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. “Có những bé sinh ra hoàn toàn bình thường, đủ tháng, bú tốt nhưng chỉ 2-3 giờ sau, thậm chí 3-4 ngày sau bị suy hô hấp, lịm dần rồi tử vong mà không lý giải được nguyên nhân. Chỉ đến khi gửi bệnh phẩm ra nước ngoài xét nghiệm mới biết trẻ bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh do có bất thường về gien. Ngay cả khi biết rõ trẻ bị bệnh này, người nhà chủ động mổ lấy thai để trẻ được chăm sóc đặc biệt như truyền tĩnh mạch, kiêng bú mẹ nhưng trẻ vẫn tử vong” - bác sĩ Quyết giải thích.

Mỗi ngày, 70 trẻ sơ sinh tử vong - 1

Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, ở giai đoạn sơ sinh (4 tuần sau khi chào đời), trẻ có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. “Với trẻ vừa được sinh ra không phải là sau khi khóc được là đã khỏe vì thực tế có nhiều trẻ  khóc to, bú tốt nhưng chỉ sau vài giờ sau đã có biểu hiện suy hô hấp. Trẻ càng sinh non tháng càng dễ bị suy hô hấp.
 
Điển hình của của suy hô hấp là bệnh màng trong. Bệnh này do cơ thể bé sinh non thiếu Surfactant - chất có chức năng giữ phế quản phổi không bị xẹp khi thở ra. Ngoài ra, bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em tuy có tỉ lệ mắc không cao nhưng nó lại là loại dị tật gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất, thậm chí có thể gây tử vong ngay lập tức mà không thể cứu chữa được. Bên cạnh đó, việc người mẹ bị thiếu máu, băng huyết, tăng huyết áp khi mang thai, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng trong khi mang thai cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thai nhi và sơ sinh. Ngoài những nguy cơ cơ sinh non, dị tật, phổi…, trẻ có thể ngạt thở và tử vong sau khi chào đời.

Các bác sĩ cũng lưu ý việc chăm sóc thai nhi không tốt cũng là nguyên nhân cơ bản khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc thiếu tháng.

Sàng lọc trước sinh để giảm tử vong

Theo giới chuyên môn, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh là một trong những biện pháp để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, khuyết tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ.

Kỹ thuật sàng lọc sơ sinh được tiến hành sau khi trẻ sinh ra từ 24-48 giờ. Kỹ thuật này nhằm phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD (gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động), suy giáp bẩm sinh (rối loạn hoặc thiếu hụt tổng hợp hormone tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh (bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ)…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN