Mỗi năm, Việt Nam có 180.000 ca mắc ung thư mới

Sự kiện: Ung thư

“Khi nhận được chẩn đoán mắc ung thư, nhiều người bệnh thấy như trời sụp. Họ đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, chán nản, buồn bã, thậm chí là trầm cảm, không muốn điều trị”, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ.

Bên lề hội thảo Điều dưỡng ung thư toàn quốc lần thứ I diễn ra ngày 26/5, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, giống như xu hướng chung của thế giới, số mắc ung thư tại nước ta cũng tăng lên. Mỗi năm trên thế giới có hơn 19 triệu ca mắc ung thư mới. Tại Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu dân, mỗi năm chúng ta cũng ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới. Đây là con số đang suy ngẫm, trăn trở.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K.

Theo thống kê có khoảng hơn 200 bệnh ung thư. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư mà mới chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ của bệnh.

Số mắc ung thư mới gia tăng là do dân số tăng, tuổi thọ tăng lên. Ung thư là bệnh mà càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc càng cao. Bên cạnh đó là yếu tố môi trường, xã hội như ô nhiễm môi trường, nước, không khí, thực phẩm…, lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động…

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, những tiến bộ trong vấn đề chẩn đoán cũng giúp chúng ta tìm ra nhiều bệnh nhân ung thư hơn. Vì thế, công cuộc phòng chống ung thư là công việc vất vả, khó khăn. Hiện nay, trong việc điều trị, chúng ta vẫn còn thiếu sót đó là chưa chăm sóc đến tâm hồn, tâm lý của bệnh nhân.

“Khi nhận được chẩn đoán mắc ung thư, nhiều người bệnh thấy như trời sụp. Họ đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, chán nản, buồn bã, thậm chí là trầm cảm, không muốn điều trị. Vì thế, người điều dưỡng không chỉ nắm rõ kiến thức chuyên môn mà còn phải hiểu cả những lo lắng này để giúp đỡ bệnh nhân. Việc hỗ trợ về tâm lý này đôi khi mang lại kết quả ngoạn mục. Người điều dưỡng cần giúp bệnh nhân ung thư hiểu bệnh ung thư họ mắc là gì, có chữa được không, đang ở giai đoạn nào…, từ đó mở ra cho bệnh nhân chân trời mới, không phải là sụp đổ mà phía trước vẫn là bình minh”, PGS. Bình chia sẻ.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, người bệnh ung thư phải trải qua các phương pháp điều trị khác nhau, thời gian điều trị lâu dài, đặc biệt cần sự tận tâm, chăm sóc của điều dưỡng. Hơn nữa, ngoài những tác động về thể chất, người bệnh còn luôn thường trực những lo lắng như lo bị bệnh không ai chăm sóc gia đình, con cái; lo hình ảnh của bản thân bị thay đổi; lo không đủ chi phí điều trị…

Nhiều bệnh nhân vẫn còn những quan niệm sai lầm như dinh dưỡng đủ chất sẽ nuôi tế bào ung thư hay còn tin và thậm chí đi theo vào các phương pháp điều trị không đủ cơ sở khoa học. Vì vậy, công tác chăm lo dinh dưỡng và tâm lý cho người bệnh ung thư cũng trở nên vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng ung thư/bác sĩ = 1,8; gần đạt với quy định chung là 2 điều dưỡng/1 bác sĩ.

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới và vai trò của điều dưỡng là vô cùng quan trọng. Điều dưỡng không chỉ là việc thực hiện các quy trình kỹ thuật, mà cần xây dựng mối quan hệ gần gũi với người bệnh, lắng nghe, hỗ trợ tinh thần, giảm đau, quản lý tác dụng phụ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục của người bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện K cảnh báo dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi

Nếu ho kéo dài lâu ngày không khỏi thì không loại trừ khả năng người đó mắc ung thư phổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN