Mỗi năm cả nước có đến 300.000 ca phá thai
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có từ 250.000 đến 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.
Tại Hội thảo “Lợi ích của tránh thai” diễn ra ngày 26/9, ông Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới mỗi năm có khoảng 85 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong đó 42 triệu ca phá thai. Trung bình, mỗi phút trên thế giới có 38 ca phá thai không an toàn và 8 phút lại có 1 phụ nữ mang thai chết do phá thai không an toàn.
Mỗi phút, trên thế giới có 38 ca phá thai không an toàn.
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2016 đạt 77,6%, trong đó số sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 66,8%.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có từ 250.000 đến 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Ngoài ra, số người phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân không thống kê được.
Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn là do không sử dụng các biện pháp tránh thai; nhiều người không tiếp cận được dịch vụ cung cấp biện pháp tránh thai và sử dụng các biện pháp tránh thai sai cách,…
Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2017, Khoa kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận và “xử lý” tổng cộng 5.408 ca. Trong đó, 4.584 ca hút thai, phá thai bằng thuốc là 206 ca, 66 ca phá thai to và 552 ca gắp thai.
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh – GĐ bệnh viện cho biết, tất cả các trường hợp (ca hút thai bằng thủ thuật, phá thai bằng thuốc, phá thai to, gắp thai) đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chỉ tiếp nhận và xử lý khi bào thai dưới 22 tuần tuổi.
Qua số liệu thống kê trong hồ sơ bệnh án của bệnh viện, từ đầu năm đến nay đã có 9 ca phá thai cho các cháu dưới 18 tuổi, trong đó tháng 2 bệnh viện tiếp nhận 6 ca và tháng 3 là 3 ca.
Vì thế, theo GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu chủ động tránh thai phòng tránh thai có rất nhiều lợi ích. Trước hết, là sự chủ động trong việc sinh con, khoảng cách sinh và số lượng con.
Chị em tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, phòng tránh thai còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, giúp bà mẹ có thời gian chăm sóc con cái, nâng cao đời sống kinh tế.
Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe của mình; phá thai không phải là biện pháp tránh thai. Hãy chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn; sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản…
Việc phá thai không an toàn sẽ khiến chị em dễ dẫn đến các hậu họa như: Viêm nhiễm, vô sinh,...