Mờ mắt, khó thở vì hương tẩm hóa chất

Trên thị trường nhu cầu về hương đang tăng mạnh vì đã bước vào thời điểm "năm hết, Tết đến", nhà nào cũng mua nhiều hơn để thắp trên bàn thờ tổ tiên, đi lễ... Và ai cũng chọn cho mình loại hương thật thơm, cuốn tàn đẹp.

Tuy nhiên, theo GS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu thắp hương trong phòng kín, hít khói lâu sẽ bị mỏi mệt, căng thẳng, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, thị giác.

Phân biệt hương có hóa chất

Thị trường hương Tết có đủ loại, từ hương nội địa tới nhập từ Trung Quốc, Thái Lan… với các loại hương tháp, hương nụ, hương vòng, hương sào… ngắn, dài để thắp theo nhu cầu thời gian. Có loại hương vòng đốt được tới 200 - 220 phút, giảm lượt châm đốt, dễ cất giữ trong hộp.

Theo GS Trần Hồng Côn, hương truyền thống xưa ít độc hơn nhờ dùng nguyên liệu thảo mộc như cây hương bài, bã mía, thảo quả, quế chi, hoa hồi... đặc biệt là gỗ trầm (theo Đông y là có thể sát trùng, tạo hưng phấn, không độc hại) để làm hương. Ngày nay để hạ giá thành người sản xuất đã dùng mùn cưa, hóa chất tạo thơm để làm hương, chất lượng kém đi và nếu thắp trong phòng kín, hít khói lâu sẽ bị mỏi mệt, căng thẳng, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, phổi, thị giác.

Mờ mắt, khó thở vì hương tẩm hóa chất - 1

Khi thắp hương nên mở hết các cửa để khói lan tỏa loãng ra . Ảnh: TL

Anh Nguyễn Văn (Công ty hương Phụng Nghi, Hà Nội) cho biết, để tăm hương cong xoắn, không bị gãy, người làm hương đã ngâm tăm vào axit phốt pho rích (H3PO4), giúp hương cháy nhanh, cuốn tàn. Hương này tạo ra khí độc, hít phải lâu dài có thể ngộ độc đường hô hấp, võng mạc mắt mờ dần, thị lực có thể giảm, khó thở, lâu dần dẫn tới ung thư…Để chống mốc, tắt hương người ta cho Butyl Cellosolve (C6H14O2) - chất chống mốc, rêu sơn tường ngoài trời và Kali Nitrat (KNO3) – dùng sản xuất phân đạm, chất nổ để duy trì sự cháy (hương này đốt có mùi khét).

Với loại hương có tàn màu tuyết trắng rất đẹp lại khá độc bởi trộn bột đá vôi với mùn cưa (mà đá vôi ẩn chứa nhiều hóa chất, kim loại nặng), đốt hương mùi nồng khó chịu. Ngoài ra, hương còn nhuộm phẩm vàng, đỏ để cây hương có màu tươi đẹp. Vì vậy, hương càng thơm nức, tàn cong vút trắng đẹp và “có lộc” thì lại càng bị trộn nhiều hương liệu, hóa chất độc hại.

Chọn hương an toàn

Theo anh Nguyễn Văn, hương thảo mộc hầu hết làm thủ công, không sử dụng hóa chất, nên màu không vàng tươi và đẹp “công nghiệp” như hương hóa chất nên rất an toàn.

Hương thảo mộc truyền thống làm từ các loại gỗ, rễ cây, lá cây ít khói, đứng xa khoảng 2m gần như không thấy khói. Loại hương thảo mộc thơm tự nhiên thanh nhẹ, không gây dị ứng cho mũi, khói hương mỏng, không gây ngạt, cay mắt (khác hẳn hương trộn hóa chất). Cây hương cháy đều và rất chậm (khoảng 2 giờ mới hết 1 nén).

Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhiều nhà diện tích hẹp, nhất là nhà tập thể không có phòng riêng người dân nên dùng hương thảo mộc. Ngửi khói hương thảo mộc lan tỏa cảm thấy thư thái, dễ chịu, nhất là những ngày trời lạnh làm nhà cửa ấm cúng hơn.

Tuy nhiên, giá hương thảo mộc khá cao. Hương thảo mộc hộp 2 thẻ, mỗi thẻ 25 nén khoảng 117.000 đồng/hộp, thơm mùi trầm, mùi hương trám hoặc hương thơm tổng hợp các loại thảo mộc… Hương tháp loại tốt 185.000 đồng/hộp, loại rẻ nhiều tháp hơn có giá 117.000 đồng/hộp. Ngoài ra, còn có hương Thiền uyển dành cho người tập thiền giá 323.000 đồng/ký.

Anh Nguyễn Văn cho biết, bạn có thể chọn hương an toàn như sau: Chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên (là màu bột thảo mộc). Tách một mẩu bột ở đầu hương, nếu tăm hương truyền thống có màu nâu đen, sần sùi thô mộc, hoặc màu vàng sáng trắng tự nhiên của cây tre là hương ít hóa chất. Nếu tăm hương lộ ra có màu vàng sậm đục, hay màu vàng, đỏ, có độ láng mịn là hương bị tẩm H3PO4.

Thắp hương nếu thấy khói màu trắng đục hoặc khói bay loạn xạ, mù mịt và cay mắt là đã bị tẩm hóa chất hoặc dầu hỏa. Hương này cháy nhanh, thơm sực nức nhưng hít phải là bị căng thẳng, mệt mỏi.

Lưu ý khi thắp hương: Không nên thắp nhiều hương trong nhà cùng lúc, dịp đặc biệt cũng chỉ nên thắp 1 – 3 cây hương/lần. Khi thắp hương nên mở hết các cửa để khói hương lan tỏa loãng ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Giang (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN