Miếng dán xăm môi: Nụ hôn... hoá chất
Với nhiều màu sắc bắt mắt, hoa văn độc đáo, dễ sử dụng, những miếng dán xăm môi đang bán khá chạy cả trên mạng và ở các cửa hiệu mỹ phẩm.
Trong giới trẻ gần đây, đặc biệt là người mẫu, ca sĩ, diễn viên… đã rộ lên trào lưu làm đẹp bằng miếng dán xăm môi tạm thời (violent lips), vừa giúp thể hiện cá tính một cách “không đụng hàng”, vừa tiết kiệm thời gian làm đẹp.
Trong khi giới trẻ đang phát sốt với mốt làm đẹp này thì thông tin từ bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, gần đây các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị khá nhiều trường hợp dị ứng da với biểu hiện vùng môi sưng đỏ, ngứa, bong tróc, lở loét… Có bệnh nhân mặt sưng phù, vùng da môi phù nề, nhiều mụn mủ, chảy nước, nôn mửa, nhức đầu… Nhiều người cho biết trước đó họ có dùng miếng dán xăm môi.
Thay màu môi trong 15 phút
“Thay vì phải tô son, kẻ vẽ, nếu muốn tạo hoạ tiết trên môi, những cô nàng mê thời trang ấn tượng chỉ cần cắt và dán là đã có một đôi môi như ý. Đây được xem là một phát minh mới nhất trong công nghệ làm đẹp môi. Nhờ nó, môi bạn sẽ như một chiếc cầu vồng, da báo, da rắn hay ngọt ngào như trái dâu. Miếng dán môi tăng cường lưu thông máu, xoa dịu môi, cải thiện nếp nhăn với cảm giác mát lạnh…” đó là những lời chào hàng trên một trang web chuyên mua bán trực tuyến miếng dán xăm môi tạm thời. Theo thông tin trên website này, sử dụng miếng dán xăm môi siêu tốc đang là trào lưu thịnh hành trong giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Sản phẩm này có giá chỉ 20.000 – 50.000 đồng/miếng, dán trực tiếp lên đôi môi, để khoảng 15 – 20 phút, bóc lớp nilông bên ngoài là có hình môi như ý. Khi không sử dụng nữa, chỉ cần dùng lọ hoá chất tẩy trang bán kèm sản phẩm bôi lên vùng môi là tẩy hết màu.
Rước hoá chất lên cửa miệng
TS.BS Đặng Châu Anh, thành viên hiệp hội Da liễu Đông Nam Á (LADS) cho biết, miếng dán môi có tẩm hoá chất hoặc mực in (thường là mực tàu, loại dùng xăm lên cơ thể người) nên khi áp dụng cách làm đẹp này, phải hết sức thận trọng vì nhiều loại mực xăm rất độc hại. Các nhà khoa học ở Mỹ, Ý… đã thực hiện nhiều cuộc kiểm định mực xăm, và phát hiện trong các loại mực này chứa nhiều thành phần như: chì, titan, cadmium, thuỷ ngân, nicken, cobalt, đồng và nhiều kim loại nặng khác đã bị liệt vào danh sách chất độc hại. Thông thường, các màu xăm sẽ được tạo ra từ các loại hoá chất, như màu đỏ tạo từ thuỷ ngân, cadmium, sắt, ferrocyanide, ferricyanide, các dẫn chất naptha; màu cam từ cadmium và các hợp chất azo; màu vàng từ chì, cadmium, kẽm, ferrocyanide, ferricyanide, azo...
Miếng dán môi có tẩm hoá chất hoặc mực in, nên khi sử dụng phải hết sức thận trọng vì nhiều loại mực xăm rất độc hại. Ảnh: Lemon
Các loại miếng dán xăm môi, đặc biệt là miếng dán có phát sáng thường được sản xuất bằng mực đặc biệt UV (mực tử ngoại), có chứa chất hyaluronie axít nên rất dễ làm cho vùng da tiếp xúc bị tổn thương và gây dị ứng đỏ da, sưng phù, chảy nước, mụn mủ… “Nếu có cơ địa dễ kích ứng thì không chỉ bị dị ứng da môi mà trong quá trình ăn uống hay nói chuyện, liếm môi thì hoá chất và mực xăm ở miếng dán sẽ theo nước bọt đi vào cơ thể theo đường tiêu hoá, nhẹ thì tiêu chảy hay nôn ói kiểu dạng ngộ độc thức ăn. Nếu hoá chất và mực xăm kích ứng nặng sẽ có biểu hiện nhiều hơn trên lâm sàng, tuỳ thuộc mức độ ngộ độc, có thể gây tử vong”, TS Châu Anh lưu ý.
Tìm hiểu kỹ khi chọn sản phẩm làm đẹp
TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, phó trưởng khoa Laser – phẫu thuật bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết da môi vốn dĩ mỏng và dễ bị kích ứng hơn các vùng da khác. Nếu da bình thường có hơn 16 lớp tế bào, các tuyến mồ hôi và các nang lông, thì da môi chỉ có 3 – 5 lớp tế bào, không có nang lông và tuyến mồ hôi. Do cấu tạo như vậy mà da môi giảm khả năng ức chế các tác nhân gây bệnh, giảm khả năng điều hoà nhiệt độ tại chỗ. Mặt khác, các đầu tận cùng của dây thần kinh cảm giác và các mao mạch rất sát bề mặt môi, nên môi rất nhạy cảm, dễ bị thương tổn hơn bất cứ nơi nào khác trên cơ thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến da môi dị ứng, nếu liên quan đến sử dụng miếng dán xăm môi thì khả năng rất lớn là do hoá chất trong miếng dán gây ra. Điều này sẽ nguy hiểm với người có cơ địa dị ứng chất lạ. Nếu nhẹ chỉ cần khoảng 15 phút sau khi tẩy rửa, tình trạng dị ứng sẽ dần trở về bình thường. Đối với những trường hợp nặng, sẽ phải mất nhiều thời gian điều trị, nếu không kịp thời, đúng cách sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
BS Sáu khuyến cáo: “Các bạn trẻ cần thận trọng bởi việc xăm hình dù xăm bằng kim hay miếng dán thì nguy cơ bị dị ứng do hoá chất có trong mực xăm là như nhau. Khi chọn sản phẩm làm đẹp nào cũng phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, công dụng cũng như tác hại, phản ứng phụ trước khi sử dụng. Với sản phẩm miếng dán xăm môi bán trôi nổi trên thị trường, không được kiểm soát về mặt chất lượng thì mối nguy hại tới sức khoẻ người sử dụng càng lớn”.