Micro hát karaoke: Ổ vi khuẩn

Chiếc microphone (micro, mic) là thiết bị "nhạy cảm" trong phòng hát karaoke. Ít người nghĩ đó chính là nguồn lây bệnh bởi chính nó là... ổ vi khuẩn do tiếp xúc thường xuyên với người hát.

Vệ sinh sơ qua bên ngoài

10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại địa điểm karaoke trên đường Lê Đức Thọ, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Căn phòng rộng khoảng 20m2, sặc sụa mùi thuốc lá, lẫn mùi bia, quyện vào mùi máy lạnh đến ngạt thở. Anh Trần Minh nhân viên quán cho biết, đêm khách tới ca hát đến tận khuya, sáng ra nhân viên chưa kịp dọn dẹp. Quán này mở gần 10 năm nên nhiều khách quen. Những ngày lễ, cuối tuần thường hết phòng, cứ tốp khách này vừa ra thì tốp khác vào hát luôn, do đó việc vệ sinh thiết bị phục vụ karaoke ngay sau mỗi đợt khách tới hát là không thể. Việc vệ sinh micro cũng chỉ thỉnh thoảng lau chùi sơ bên ngoài.

Micro hát karaoke: Ổ vi khuẩn - 1

Hầu hết các quán karaoke không quan tâm đến việc vệ sinh thiết bị micro.

11 giờ trưa, chúng tôi đến một trung tâm karaoke khác nằm trên đường Hà Huy Giáp, quận 12. Đây là chuỗi dịch vụ karaoke có tên tuổi trên thị trường giải trí. Vì muốn nhanh chóng thu dọn sạch sẽ phòng hát (rộng khoảng 10m2) để đón khách mới, các nhân viên ở đây dùng loại nước hoa xịt phòng tạo cảm giác giác sạch sẽ nhưng không thể khử được mùi đặc trưng của phòng karaoke. Anh Phạm Văn Ninh, phụ trách bộ phận âm nhạc tại quán cho rằng, không chú ý tới vệ sinh micro và thực sự anh cũng không biết điều đó, vệ sinh cũng chỉ dùng khăn khô lau sơ mà thôi.

Tiếp tục khảo sát quán bar, nhà hàng karaoke, hát với nhau,  chúng tôi đều nhận được câu trả lời giống nhau: Không quan tâm đến việc vệ sinh thiết bị micro.

Ổ vi khuẩn

PV đã lấy 3 mẫu micro từ 2 cơ sở dịch vụ giải trí karaoke gia đình tại quận 12 và quận Gò Vấp, TPHCM mang đi xét nghiệp tại Viện Pasteur TPHCM. Kết quả xét nghiệm phát hiện một mẫu micro nhiễm nấm men lên tới 41.000 con, 2 mẫu còn lại có sự hiện diện của khuẩn Staphylococcus aureus, đây là dòng khuẩn độc tính. Đồng thời, cũng tiến hành xét nghiệm vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn nấm mốc tại phòng karaoke của những địa điểm trên, kết quả cho thấy, có 17 khuẩn lạc nấm mốc/2 mẫu và 159 vi khuẩn hiếu khí/2 mẫu.

Micro hát karaoke: Ổ vi khuẩn - 2

Kết quả xét nghiệm phát hiện vi khuẩn từ micro karaoke.

Theo bà Phẩm Minh Thu, Trưởng phòng Kiểm nghiệm Hóa lý Vi sinh, Viện Pasteur, TPHCM, khuẩn staphylococcus aureus là vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội lây bệnh nguy hiểm, dễ lây lan khi sức đề kháng cơ thể yếu. Cơ chế gây bệnh của khuẩn là có khả năng làm ngưng kết huyết tương kết cụm lại thành mụn mủ, khi gặp da bị xước khuẩn này làm mủ gây nhiễm trùng trên da, qua đường miệng gây viêm loét miệng, loét họng.

Chúng hiện diện cả trong thức ăn nhiễm khuẩn, khi người ăn nhiễm khuẩn này, nó tồn tại trong khoang miệng qua tuyến nước bọt ra micro, từ đây là nơi lý tưởng cho chúng phát triển và truyền nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp. Những người mang dòng vi khuẩn độc này mặc dù bản thân họ không có những biểu hiện lâm sàng, nhưng ủ bệnh cho tới khi có điều kiện bùng phát thành dịch. Nấm men cũng là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Theo đánh giá cảm quan của các nhà chuyên môn, với cấu trúc phòng dịch vụ  karaoke như hiện nay, lượng vi khuẩn nấm mốc hiện diện trong không khí là rất nhiều. Vì thế, khả năng gây bệnh đường hô hấp là không thể tránh khỏi đối với những người có sức đề kháng yếu. Cũng theo bà Thu, mới sơ bộ chỉ với một mẫu thí nghiệm đã phát hiện dấu hiệu nguy cơ lây bệnh từ vi khuẩn nguy hại, nếu có khảo sát về thiết bị, phòng ốc karaoke trong toàn thành phố chắc chắn phát hiện nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nữa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phân Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử Tin học Tự động hóa cho biết, trên thị trường hiện không có loại micro có màng khử khuẩn. Còn các micro loại cầm tay có phần thu âm được che chắn bên ngoài bằng lưới kim loại hoặc nhựa tổng hợp. Lưới này có những lỗ nhỏ sắp xếp cách đều nhau để cho âm thanh truyền qua. Ngoài ra, micro còn có các lớp mút mỏng bao bọc giúp cho sóng âm tác động đồng đều vào bao vỏ và làm giảm nhiễu hơi gió. Với cấu tạo như vậy, khi người sử dụng micrô phát âm thanh, nước bọt bắn ra sẽ bám vào lưới và lớp mút. Nếu như không được vệ sinh thường xuyên vô tình lớp mút và lưới kim loại kia trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, có thể dùng nước cồn y tế 70 - 90o để lau chùi bụi, bẩn bám trên micro.

"Phát hiện micro có chứa ổ vi khuẩn là một khuyến cáo rất tốt cho cộng đồng. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke cần phải quan tâm đến việc vệ sinh thiết bị để đảm bảo sức khoẻ người sử dụng, tránh bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp lây lan trong cộng đồng. Phân viện Bảo hộ Lao động TPHCM sẽ quan tâm đến đề tài nghiên cứu này".       

TS Nguyễn Đắc Hiền (Phân Viện trưởng Phân viện Bảo hộ Lao động TPHCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Hương (Bee.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN