Mệt mỏi với nỗi ám ảnh phải "đếm cừu" cả đêm, làm sao để khắc phục?

Sự kiện: Sống khỏe

Mất ngủ kéo dài nếu không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có như suy nhược thần kinh, loạn thần, trầm cảm, sa sút trí tuệ…

Theo các bác sĩ, mất ngủ là một chứng bệnh thường gặp của thời hiện đại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của khoảng 1/3 dân số thế giới. Điều đáng nói, tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.

Ở Việt Nam, theo con số thống kê chưa đầy đủ đầu năm 2022 đã ghi nhận 40% bệnh nhân có triệu chứng ngủ không đủ thời gian, rất khó đi vào giấc ngủ và hay bị tỉnh giấc giữa chừng, ngủ đủ thời gian nhưng giấc ngủ không sâu và đầy mộng mị, mất ngủ trắng đêm.

Nhiều người bị mất ngủ, khó ngủ, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Nhiều người bị mất ngủ, khó ngủ, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Theo ThS.BS Vũ Văn Đại, Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thời gian gần đây, mỗi ngày, Khoa tiếp nhận hàng trăm trường hợp mất ngủ hậu COVID-19, bệnh nhân thường đến khám với nhiều hình thái khác nhau nhưng tựu chung vẫn là sự suy giảm về thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

"Mất ngủ kéo dài nếu không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có như suy nhược thần kinh, loạn thần, trầm cảm, sa sút trí tuệ, thiểu năng tuần hoàn não kinh diễn, thiếu máu cơ tim, đột quỵ não, đột quỵ tim…đặc biệt ở người có tuổi và cao tuổi", BS Đại thông tin.

Làm gì để điều trị mất ngủ?

Hiện nay, để trị liệu tình trạng mất ngủ, y học hiện đại thường kết hợp chặt chẽ giữa giải quyết nguyên nhân, điều trị cơ chế bệnh sinh và triệu chứng bằng nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc chọn lựa và sử dụng các thuốc chống lo âu trầm cảm, an thần trấn tĩnh, thuốc ngủ…kết hợp với tâm lý liệu pháp, tư vấn thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện thể dục thể thao…

Tuy nhiên, trong không ít trường hợp hiệu quả đạt được chưa cao, chưa làm hài lòng bệnh nhân và thầy thuốc, nhất là việc sử dụng thuốc an thần, gây ngủ lâu dài hoặc lạm dụng còn dẫn đến những tác dụng không mong muốn và gây tình trạng quen thuốc, thậm chí nghiện thuốc.

Dưới góc độ y học cổ truyền, theo BS Vũ Văn Đại, để trị chứng mất ngủ có 2 nhóm biện pháp chủ yếu là dùng thuốc và không dùng thuốc. Cụ thể, dùng thuốc tùy theo thể bệnh mà lựa chọn các bài thuốc cổ như: Thuốc sắc, thuốc cao, thuốc hoàn mềm hoặc cứng, thuốc đan, thuốc tán hoặc bột thuốc.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng thuốc dưới dạng món ăn - bài thuốc (gọi là Dược thiện) như trà thuốc, rượu thuốc, cháo thuốc, canh thuốc…mang đậm tính tự nhiên, rất dễ được cơ thể con người chấp nhận.

Một cách dùng thuốc khác để điều trị mất ngủ cũng được áp dụng phổ biến là dùng thuốc ngoài dưới hình thức xông, xoa, bôi, đắp, tắm, ngâm… "Nhiều phương thuốc được dùng để ngâm châm trước khi đi ngủ cũng đem lại hiệu quả khá tốt trong việc cải thiện giấc ngủ", BS Đại cho biết.

Ngoài phương pháp dùng thuốc, theo BS Đại, để trị liệu mất ngủ, các thầy thuốc có thể thực hiện các thủ thuật như châm cứu (châm thường, điện châm, từ châm, laser châm, nhĩ châm, đầu châm, diện châm, điện xung trên huyệt..), xoa bóp, bấm huyệt, cấy chỉ và hướng dẫn người bệnh thực hành các môn tập cổ truyền như tập khí công, dưỡng sinh, thái cực quyền nhằm mục đích nâng cao chính khí, lập lại cân bằng âm dương, hoạt huyết thông mạch dưỡng tâm an thần

Theo các bác sĩ, để trị chứng mất ngủ, ngoài việc dùng thuốc và áp dụng các biện pháp tập luyện, người bệnh nên chú trọng tạo dựng một đời sống tinh thần cân bằng, thư thái; điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt ăn uống một các lành mạnh như: Không thức quá khuya và nên dậy sớm; không ăn quá no và không để quá đói vào bữa tối; hạn chế các chất kích thích; ưu tiên những đồ ăn, thức uống có tính chất an thần như chè hạt sen, long nhãn, canh lá vông, canh hoa thiên lý, trà tâm sen, trà lạc tiên, trà nụ hoa tam thất…

Đồng thời, xây dựng một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ dành cho bản thân như: Tắm nước ấm; uống nước ấm; dành vài phút thiền định để giúp cơ thể và tâm trí được thư giãn; nghe một số bản nhạc nhẹ nhàng; dành thời gian đọc sách…

Đặc biệt, cần tránh xa điện thoại và các thiết bị điện tử khi lên giường đi ngủ, bởi chúng có thể làm người bệnh khó đi vào giấc ngủ hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng khó ngủ, mất ngủ.

Nguồn: [Link nguồn]

6 loại thực phẩm nên tránh khi bạn bị mất ngủ

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây mất ngủ. Trong đó chế độ ăn uống không phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ. Một số loại thực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khôi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN